Ban tổ chức đã nhận được gần 30 tham luận của các đại biểu là các chuyên gia nghiên cứu về biển, đảo, lãnh đạo các địa phương, chỉ huy các đơn vị. Có nhiều ý kiến sâu sắc luận giải về các nội dung được đề cập trong luật, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đưa luật sớm đi vào cuộc sống và tạo ra hiệu quả tích cực trong thực tiễn.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nên buổi tọa đàm chưa thể tổ chức trực tiếp được. Ngày 10-12, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức Chương trình talk show với chủ đề "Đưa Luật CSB Việt Nam vào cuộc sống" với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về biển, đảo. Trong số báo hôm nay (11-12) và ngày mai (12-12), Báo Quân đội nhân dân trích đăng và giới thiệu tới bạn đọc một số tham luận, ý kiến tiêu biểu gửi tới Ban tổ chức.
Trung tướng NGUYỄN HẢI HƯNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Tăng cường giám sát, bảo đảm hiệu quả trong thực thi luật
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, để giúp Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) sẽ nghiên cứu lựa chọn thời điểm thích hợp, đưa vào Chương trình hoạt động toàn khóa của Ủy ban tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về CSB Việt Nam.
Theo đó, Ủy ban QP&AN sẽ đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương căn cứ phạm vi được giao quản lý báo cáo bằng văn bản; đồng thời tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương, đơn vị tập trung về những nội dung chủ yếu như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyên truyền pháp luật, xây dựng, tổ chức, hoạt động, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ; việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật do cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển gây ra; việc hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng của cảnh sát biển; mối quan hệ phối hợp trong thực thi nhiệm vụ theo chức năng, phạm vi đảm nhiệm của các lực lượng khác trên cùng một địa bàn; việc phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên biển...
Thông qua hoạt động giám sát này, Ủy ban QP&AN sẽ làm rõ những kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về CSB; đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sớm có biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CSB.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có chức năng giám sát việc triển khai, thi hành pháp luật về CSB, sẽ cùng phối hợp với Ủy ban QP&AN trong điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát và thông báo kết quả giám sát, khảo sát tới ủy ban để kịp thời tổng hợp, xây dựng các báo cáo, kiến nghị chung...
Thiếu tướng BÙI QUỐC OAI, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam
Cơ sở quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Sự ra đời của Luật CSB Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quản lý, bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế biển. Luật CSB Việt Nam tạo nền tảng, khung pháp lý vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.
Luật CSB Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội; liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cũng như cá nhân, tổ chức hoạt động trên biển; là nền tảng pháp lý quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn vùng biển Việt Nam.
Đối với CSB Việt Nam, luật có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt; là công cụ sắc bén nhằm xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tương xứng với vị trí là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Sự ra đời của Luật CSB Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới trong xây dựng, phát triển của CSB Việt Nam. Các quy định của luật tạo khung pháp lý vững chắc để xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao. Thực tế cho thấy những năm qua, nhất là những năm gần đây, CSB Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển toàn diện, đồng bộ cả về chức năng, nhiệm vụ, cả về tổ chức, biên chế, trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại để ngày càng tương xứng với vị trí, vai trò quan trọng của CSB Việt Nam đã được luật xác định.
Cùng với luật và những kết quả, thành tích đã đạt được, lực lượng CSB Việt Nam sẽ luôn đoàn kết, sáng tạo, không ngừng phấn đấu, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
Đại tá LƯƠNG ĐÌNH HƯNG, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển
Chỗ dựa vững chắc để thực thi nhiệm vụ
Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan tới tổ chức, hoạt động và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước. Các quy định của luật được xây dựng bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, logic, khoa học, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động thực thi pháp luật trên biển.
Cụ thể, về nhiệm vụ của CSB Việt Nam, Điều 8 Luật CSB Việt Nam quy định 7 nhóm nhiệm vụ lớn của CSB Việt Nam gồm: Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển...
Các quy định này bảo đảm bao quát, là căn cứ pháp lý quan trọng để CSB Việt Nam thực thi pháp luật trong các vùng biển Việt Nam, là nền tảng có ý nghĩa quan trọng để lực lượng này tăng cường các hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Về quyền hạn của CSB Việt Nam, Điều 9 Luật này quy định 10 quyền hạn của CSB Việt Nam, gồm: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; xử lý vi phạm hành chính... Các quyền hạn này được xây dựng trên cơ sở tập hợp hóa các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao năng lực, trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật trên biển của CSB Việt Nam...