- Ông đánh giá thế nào về an ninh trật tự tại TP.HCM hiện nay?
Năm qua tình hình tội phạm ở thành phố có nhiều mặt tích cực, không xảy ra các vụ án dã man, gây bức xúc dư luận. Số vụ phạm pháp đã được kéo giảm gần 6% nhưng con số này chưa ổn định. Đặc biệt tội phạm trộm, cướp, cướp giật chiếm cao trong cơ cấu tội phạm và gây bức xúc cho người dân, thường nổi lên ở các khu vực trung tâm và vùng ven, hẻo lánh.
Việc trấn áp loại tội phạm này là đòi hỏi của người dân, lãnh đạo thành phố và cả Công an TP.HCM. Thành phố đưa ra tiêu chí có cuộc sống chất lượng mà chưa dẹp được những hành vi này thì chưa thể đem đến cho người dân cuộc sống bình yên.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM.
- Tình hình tội phạm ở TP.HCM như thế nào so với các tỉnh thành trên cả nước?
TP.HCM đông dân, lớn nhất nước, các vụ phạm pháp cũng nhiều nhất. Do đặc thù về phát triển kinh tế, du lịch... nên đây cũng được xem là "vùng trũng tội phạm" khi chúng từ khắp nơi kéo đến ẩn náu và hoạt động.
Khó khăn mà Công an TP.HCM đang phải đối đầu là có rất nhiều băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và các tỉnh thành để có thể quản lý, đấu tranh hiệu quả.
- Công an TP.HCM có kế hoạch gì trước chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là phải kéo giảm tội phạm trong 3 tháng?
Công an TP.HCM đã nhận diện tình hình, đưa vào nghị quyết và chương trình công tác năm nay trước khi lãnh đạo thành phố lên tiếng. Chỉ đạo này đối với chúng tôi như liều thuốc kích thích để quyết tâm hơn. Đồng thời, động thái này cũng "cởi trói", giúp chúng tôi phát huy hơn trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Công an TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm trấn áp tội phạm. Sắp tới lực lượng cảnh sát hình sự sẽ được tăng quân số, nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật... để hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, cảnh sát cơ động cũng được tung ra tuần tra 24/24 khắp các địa bàn. Lực lượng này sẽ phối hợp cùng cảnh sát đặc nhiệm, 113, CSGT... chuyên biệt về phòng chống tội phạm chứ không can thiệp vào các xử lý vi phạm hành chính.
Qua ghi nhận, Công an TP.HCM thấy rằng những người phạm pháp phần lớn là nghiện, có nơi ở cố định. Hiện, công tác đưa người đi cai nghiện tại TP.HCM đối với người lang thang đã thực hiện được nhưng đối với các trường hợp có hộ khẩu, nơi ở cố định thì đang vướng luật. Chúng tôi kiến nghị và thành phố đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp giải quyết.
Cảnh sát cơ động sẽ chuyên về phòng chống tội phạm chứ không can thiệp vào các xử lý vi phạm hành chính.
- Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cho rằng cần nghiên cứu thành lập lại đội Săn Bắt Cướp (SBC), Công an TP.HCM có quan điểm như thế nào ?
Thật ra đội SBC ngày trước với Hình sự đặc nhiệm bây giờ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng nhau. Chúng tôi đang thay đổi để hoạt động hiệu quả hơn.
Trong đó, lực lượng đặc nhiệm sẽ được tăng cường về quân số, phương tiện, trang thiết bị hiện đại... Công an TP.HCM cũng điều chỉnh nhiều chính sách đồng thời nâng cao nghiệp vụ, thay đổi kế hoạch trong hoạt động tuần tra.
- Ông đánh giá thế nào về mô hình "Hiệp sĩ đường phố" ở TP.HCM thời gian qua?
Tôi cho rằng đây là mô hình phòng chống tội phạm của quần chúng, rất tốt. Kết quả thời gian qua cho thấy hoạt động này cũng đạt được một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực, hoạt động này còn một số hạn chế.
Công an TP.HCM cũng mong muốn phát triển, nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm của quần chúng. Chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo thành phố để lập đội phòng chống tội phạm nhưng cần phải tính toán để có một sự quản lý.
Đây là mô hình quần chúng nhưng có thể sẽ được công an huấn luyện thêm về mặt nghiệp vụ. Để làm sao trước nhất phải đảm bảo an toàn cho các "hiệp sĩ". Đồng thời để mô hình này phát huy được những mặt mạnh, hoạt động có hiệu quả và giảm được nhũng hạn chế, thiếu sót.
Theo VnExpress