Ông Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, Bộ sưu tập Vàng lá Châu Thành (còn gọi là Vàng lá chùa Lò Gạch) được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học diễn ra vào năm 2014, tại di tích chùa Lò Gạch, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Bộ sưu tập gồm 9 hiện vật là những lá vàng dát mỏng có chạm khắc hình hoa sen và voi, được chế tác bằng kỹ thuật khắc - miết, gò - tán trên bề mặt. Những hiện vật này thuộc nền Văn hóa Óc Eo, giai đoạn muộn thế kỷ VII - IX sau Công nguyên.
Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa cổ ở Nam Bộ, tồn tại từ thế kỷ I và phát triển rực rỡ đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Đây là nền văn minh của Vương quốc Phù Nam - quốc gia cổ đại xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á. Tại Trà Vinh, sau năm 1975, các nhà khoa học đã nghiên cứu khảo cổ học, khảo sát thống kê có 18 điểm di chỉ khảo cổ học liên quan đến nền Văn hóa Óc Eo.
Trà Vinh đã khai quật và được công nhận 2 di chỉ khảo cổ học quốc gia. Đó là Di tích khảo cổ học Lưu Cừ II (ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) được phát hiện vào năm 1985; điều tra, thám sát và khai quật năm 1986; được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích quốc gia năm 1990. Di tích Khảo cổ học Bờ Lũy - Chùa Lò Gạch (ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) được tiến hành thám sát, khai quật năm 2014; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia năm 2017.Những cổ vật, di vật, di tích kiến trúc cổ được khai quật và phát hiện của Văn hóa Óc Eo tại Trà Vinh chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật; được xem như cột mốc để xác định các giai đoạn phát triển, nghiên cứu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã lập Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia.
Hội đồng thẩm định đánh giá cao tính độc bản, độc đáo và giá trị đặc biệt của Bộ sưu tập vàng lá có chạm khắc hình hoa sen và hình voi chùa Lò Gạch, không chỉ quý hiếm mà còn phản ánh quá trình giao lưu văn hóa, lịch sử của cư dân Nam Bộ trong quá trình khai phá, phát triển vùng đất.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình khẳng định “Bộ sưu tập Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh” được công nhận Bảo vật quốc gia là vinh dự nhưng cũng đặt ra trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo quản và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phương án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia; chú trọng đầu tư trang thiết bị, thiết kế mỹ thuật trong trưng bày, bảo quản phù hợp từng loại hiện vật. Sở tăng cường tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về giá trị vô giá của các bảo vật, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào về quê hương, cùng chung tay xây dựng, phát triển bản sắc văn hóa địa phương và đất nước.