Kênh nước này bị cư dân bên ngoài khu đô thị xả trực tiếp nước thải sinh hoạt vào dẫn tới ô nhiễm. Hàng tháng nước của con kênh lại có vài ngày xuất hiện màu đen kịt và bốc mùi khó chịu.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước có gần 1.000 đô thị nhưng hiện chỉ có khoảng 13% nước thải đô thị được xử lý.
Nguyên do trước hết do các nhà máy xử lý nước thải còn chưa đáp ứng nhu cầu. Cả nước mới chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, chiếm khoảng 13%.
Đơn cử ở Hà Nội, có 6 nhà máy xử lý nước thải hoạt động với công suất từ 2.300 m3/ngày đêm 200.000 m3/ngày đêm, nhưng cũng mới chỉ xử lý được khoảng 22% tổng số lượng nước thải của toàn thành phố mỗi ngày.
Tại TP Hồ Chí Minh, lượng nước cấp khoảng 1.850.000 m3/ngày, ước tính nước thải phát sinh mỗi ngày có 1.579.000 m3 song cũng chỉ xử lý được có 370.624 m3, đạt tỷ lệ 21,2%.
Như vậy, cả hai thành phố lớn nhất cả nước gần 80% nước thải không qua xử lý đã xả thẳng ra môi trường.
Cùng với đó, nước thải từ các hộ dân cũng như các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất được xả trực tiếp xuống sông, hồ khiến 70 - 80% sông, hồ, ao ngày càng ô nhiễm nặng. Nhiều nơi, như sông Tô Lịch đã thành dòng sông chết.
Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp thiết là phải sớm có những giải pháp khả thi để giảm thiểu tác động từ ô nhiễm môi trường nước thải đô thị. Trong đó, việc xây thêm các nhà máy xử lý nước thải tại các thành phố lớn, tập trung nhiều khu đô thị là giải pháp được các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học đánh giá cao.