Cuộc chiến không được phép thua

(Ngày Nay) - Trong cuộc chiến này, tất cả các quốc gia đều ở cùng một phe, cả nhân loại chỉ có duy nhất một kẻ thù chung - Virus SARS nCoV2.

Dịch bệnh COVID-19 đã leo thang lên những mức độ mới và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước Mỹ đã chính thức đóng cửa ngừng tiếp nhận người qua lại biên giới, bao gồm cả với láng giềng Canada thân thiết. Tại Paris, 100.000 binh sĩ được huy động để đảm bảo an ninh, thực tế là một cuộc thiết quân luật, trong khi Thủ tướng Đức tuyên bố đây là thách thức lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ 2.

Các quốc gia đang trở thành những ốc đảo với các lệnh đóng cửa biên giới liên tiếp. Chỉ một tuần trước, còn rất nhiều người, bao gồm cả các chính khách hàng đầu, cố bịt mắt che tai. Tuy nhiên đến hôm nay, tất cả đều đã phải đồng ý ở một điểm: COVID-19 là một thảm hoạ đe doạ nhân loại, và tất cả phải hành động để giải quyết nó. Sự phong toả toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến vừa là hậu quả, vừa là phương pháp xử lý của cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.

Nhiều thứ đang trở nên khó khăn và u ám hơn. Tại Italia, xe quân sự đã được trưng dụng để chở xác bệnh nhân tử vong. Thị trường tài chính thế giới rơi vào chuỗi ngày ảm đạm, hàng chục nghìn tỉ USD bốc hơi, trường học đóng cửa, chuỗi cung ứng, sản xuất bị xáo trộn nghiêm trọng. Ngành du lịch, dịch vụ, hàng không đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt, những đoàn quân thất nghiệp sẽ trở thành gánh nặng, thậm chí là rủi ro an ninh không nhỏ cho các quốc gia vốn đang phải oằn mình để chống dịch.

Trong suốt Thế chiến thứ 2, khi hàng triệu tấn bom đạn đang nổ khắp mọi châu lục trên thế giới, một người Anh vẫn có thể xuống một du thuyền sang trọng, vượt biển tới châu Mỹ hay các lãnh thổ hải ngoại của đồng minh tại bất kỳ đâu qua những vùng biển ngoài tầm hoạt động của tàu ngầm Đức.

Năm 2020, hơn 700 triệu người ở một châu Âu hoà bình không được phép ra khỏi nước mình, thậm chí là khu phố hay phòng ngủ của mình. Các đường biên giới đều đóng sập lại, hàng nghìn máy bay không thể cất cánh dù giá dầu hiện đã xuống thấp hơn nước đóng chai trong siêu thị. Đây là một tình trạng thời chiến không tiếng súng, một cuộc thế chiến đang dần lan tới mọi ngóc ngách trên thế giới.

Nhiều quốc gia đã phải viện đến một chỗ dựa cuối cùng là tâm linh, các tia hy vọng đang dần mất đi, sự xử lý chậm chạp, thụ động của nhiều chính phủ khiến một dịch bệnh vốn có thể ngăn chặn từ đầu với thiệt hại nhỏ, trở thành một mối đe doạ chưa biết khi nào mới kết thúc.

Tuy nhiên mọi thứ không chỉ là một màu đen, trong cuộc chiến này, chúng ta vẫn có nhiều lý do để hy vọng.

Thứ nhất, chúng ta có lợi thế lớn về thông tin. Năm 1941, chỉ sau khi cả hạm đội Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng chìm xuống biển Thái Bình Dương, người Mỹ mới biết rằng họ đã bị phát xít Nhật tấn công. Nhưng vào năm 2020, thông tin về dịch bệnh được cập nhật tới từng giây, các tình huống xấu đều được vạch ra chi tiết cùng phương án xử lý bằng những hiểu biết y học và công nghệ ngày càng tinh vi, tiên tiến hơn.

Lợi thế thứ hai, đó là trong cuộc chiến này, tất cả các quốc gia đều ở cùng một phe, cả nhân loại chỉ có duy nhất một kẻ thù chung - Virus SARS nCoV2. Không chỉ cả quốc gia, mà là toàn cầu đang hợp tác với nhau. Ngăn công dân di chuyển xuyên biên giới cũng là một biện pháp của sự hợp tác toàn cầu đó, để làm chậm lại sự lây lan, cho các nhà khoa học thêm thời gian, và cho những người bị nhiễm bệnh thêm cơ hội được sống sót.

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia cuộc chiến này sớm nhất, với những thắng lợi ban đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên như đã nói, đây là một cuộc chiến toàn cầu, không quốc gia nào chiến thắng đơn lẻ được cả. Nó có thể sẽ rất trường kỳ, giữ vững trận địa và đảm bảo các nguồn lực chính là điều tối quan trọng để thắng lợi cuối cùng, bắt đầu bằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của các chuyên gia y tế, rửa tay, làm tốt công việc của mình và hạn chế di chuyển nếu không thực sự cấp thiết.

Ngân hàng, doanh nghiệp, chủ thuê mặt bằng, hộ kinh doanh, người lao động, bán hàng online hay nhà nước, tất cả chúng ta dù vai trò hay quyền lợi khác nhau, nhưng cũng chỉ ngồi trên một con thuyền. Chung tay, san sẻ khó khăn với nhau, san sẻ khó khăn với chính phủ, ủng hộ hết mình đối với những người đang ở tuyến đầu chống dịch là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người. Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, chỉ mong rằng nó không bao gồm nhân mạng, còn người là còn của, mọi thứ đều có thể làm lại từ đầu.

30 năm trước, ít ai nghĩ rằng chúng ta có thể gượng dậy sau nửa thế kỷ chiến tranh, nhưng chúng ta đã làm được, từ hoang tàn đổ nát. Ngày nay, với hạ tầng cứng và con người vẫn còn nguyên vẹn, cuộc chiến này sẽ chỉ thử thách ý chí, tinh thần, sự đoàn kết và kỷ luật của dân tộc chúng ta mà thôi. Vì nếu một dân tộc không có những tố chất ấy, thì cũng không có tương lai nào cho nó cả.

Siết chặt lấy nhau bằng những bàn tay rửa sạch, với cả nhân loại là đồng minh, chúng ta đơn giản là không được phép thua trong cuộc chiến này.

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.