Đội tuyển bóng đá của Hàn Quốc đang bị cuốn vào một vụ bê bối mất đoàn kết nội bộ và người hâm mộ đòi hỏi một cuộc cải cách.
“Chúng tôi đã có quá nhiều cầu thủ đặt lợi ích của mình lên trên bóng đá Hàn Quốc”, Kim Min-ji, một người hâm mộ đến từ Seoul, bày tỏ bức xúc.
Nguyên nhân của làn sóng biểu tình xuất hiện sau khi đội tuyển Hàn Quốc thua sốc trước đối thủ Jordan tài kỳ Asian Cup vừa qua. Nhiều người không chấp nhận màn trình diễn kém thuyết phục của một tập thể đông đảo ngôi sao châu Á như Hàn Quốc.
Người hâm mộ đã chỉ trích vấn đề thiếu chiến thuật, chiến lược và khả năng quản lý toàn đội từ huấn luyện viên trưởng Jurgen Klinsmann, người được bổ nhiệm 1 năm trước đó.
“Thái độ của ông ấy là vấn đề lớn nhất”, cây viết bóng đá Lee Sung-mo chỉ ra. "Cách điều hành từ xa không khiến người hâm mộ hài lòng".
Trong 6 tháng đầu tiên làm việc tại Hàn Quốc, truyền thông nước này tính toán rằng ông Klinsmann chỉ ở đây 67 ngày.
Vị huấn luyện viên 59 tuổi này đã tổ chức các cuộc họp báo qua Zoom từ nhà riêng ở bang California (Mỹ) và dành nhiều thời gian theo dõi bóng đá châu Âu cũng như xuất hiện trên truyền hình với tư cách chuyên gia hơn là tham dự các trận đấu tại giải vô địch K-League.
Sự vắng mặt của ông Klinsmann ngày càng trở thành tâm điểm gây phẫn nộ. Sau kỳ Asian Cup đáng quên, huấn luyện viên người Đức tuyên bố sẽ không từ chức và chỉ ở Hàn Quốc 2 ngày trước khi trở lại Mỹ.
Vào ngày 15 tháng 2, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) Chung Mong-gyu tuyên bố sa thải ông Klinsmann.
Bất chấp động thái có vẻ quyết liệt từ phía liên đoàn, nhà báo Lee Sung-mo cho rằng KFA cần một chủ tịch mới, hệ thống và ý tưởng mới.
Ông Chung Mong-gyu đã nắm quyền KFA từ năm 2013 và là thành viên mới nhất trong hàng loạt những người có xuất thân từ tập đoàn Hyundai, vốn nắm quyền lãnh đạo liên đoàn trong nhiều năm.
“Có vẻ như ông Chung nghĩ bóng đá Hàn Quốc thuộc về mình, nhưng người hâm mộ đã chịu đựng đủ chế độ độc tài này rồi”, người hâm mộ Kim Min-ji tuyên bố.
Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi tờ The Sun của Anh công bố vụ bê bối "bóng bàn" xảy ra trong nội bộ tuyển Hàn Quốc. Chỉ một ngày trước trận đụng độ với Jordan, đội trưởng Son Heung-min đã bị chấn thương ngón tay sau khi xô xát với tiền vệ trẻ Lee Kang-in.
Cụ thể, Lee Kang-in và một số cầu thủ trẻ sau khi dùng xong bữa tối đã rời khỏi phòng ăn để chơi bóng bàn. Son Heung-min và các cầu thủ lớn tuổi cho rằng đây là hành vi vô kỷ luật và yêu cầu nhóm cầu thủ trẻ trở lại bàn ăn. Vụ ẩu đả giữa hai bên sau đó đã xảy ra.
Sau khi sự việc bị phanh phui, tiền vệ Lee Kang-in, người đang chơi cho câu lạc bộ Paris Saint-Germain, nhanh chóng xin lỗi trên mạng xã hội và sau đó, thông qua luật sư của mình, phủ nhận việc mình đã đấm Son Heung-min.
Đáng chú ý, hành vi thiếu tôn trọng tiền bối của Lee Kang-in là điều cấm kỵ trong quan niệm của xã hội Hàn Quốc, vốn đề cao thứ bậc.
Cựu tuyển thủ quốc gia Lee Chun-soo bình luận trên kênh YouTube của mình: “Thành thật mà nói, tôi hơi đau lòng trước những tin đồn bất hòa”.
“Đáng lẽ nó không nên lộ ra, nhưng Hàn Quốc là đất nước có mối quan hệ giữa tiền bối và hậu bối rất bền chặt", Lee Chung-soo nói. “Có rất nhiều sự chênh lệch tuổi tác giữa tiền bối và hậu bối nhưng chúng ta vẫn có một mục tiêu nên không để xảy ra bất hòa”.
Khoảnh khắc Son Heung-min và Lee Kang-in cùng ăn mừng tại kỳ Asian Cup vừa qua. Ảnh: Reuters |
Dư luận Hàn Quốc đã nhanh chóng ủng hộ Son Heung-min và lên án hành vi của Lee Kang-in.
Hãng viễn thông KT đã gỡ bỏ các áp phích quảng cáo của Lee, nhiều nhãn hàng khác cũng đang xem xét cắt hợp đồng truyền thông với cầu thủ này.
Để làm dịu cuộc khủng hoảng, Son Heung-min đã kêu gọi dư luận Hàn Quốc tha thứ cho đàn em Lee Kang-in, người đã đến tận London để giảng hòa.
“Kang-in hiện đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn sau vụ việc, xin hãy thành tâm tha thứ cho cậu ấy chỉ lần này thôi. Thời trẻ, tôi đã phạm nhiều sai lầm và có những hành vi kém cỏi. Nhờ những lời khuyên và sự hướng dẫn vô giá của các tiền bối đáng kính mà tôi mới có được như ngày hôm nay", Son viết trên Instagram.
Hiện mục tiêu ngắn hạn của các cầu thủ Hàn Quốc là dập tắt cuộc khủng hoảng nội bộ và hướng tới loạt trận tháng 3 của vòng loại World Cup 2026. Trong khi đó, KFA phải tìm ra một huấn luyện viên mới để ổn định tình hình.
Trong khi đó, người hâm mộ Hàn Quốc đang tìm kiếm lời giải thích cho màn trình diễn đáng thất vọng của đội tuyển.
“Thật khó để hiểu làm thế nào mà tình trạng hỗn loạn này lại có thể xảy ra”, người hâm mộ Kim Min-ji nói.