Xem và ngẫm
Mỗi dịp Tết Trung thu về, đèn lồng, đèn ông sao, múa lân, múa sư tử rộn ràng các con phố Hà Nội. Năm nay, Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long sẽ khác biệt so với nhiều nơi, bởi di tích này gắn nhiều với hoạt động đón Tết đoàn viên của các đời vua. Từ đời vua Lý Nhân Tông (niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng 1076 - 1084) đã đón Trung thu với lễ cúng tổ tiên và hội đua thuyền trên sông Trường Lô. Tuy nhiên, hiện nay chưa đủ các căn cứ để dựng lại Trung thu của cung vua thời xưa. “Chúng tôi tổ chức Trung thu không đơn giản chỉ để các em nhỏ trải nghiệm trò chơi dân gian mà còn xem và suy ngẫm” - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến cho biết.
Đến Hoàng thành Thăng Long, các em nhỏ được xem Chùm ảnh về Tết Trung thu trong bộ tranh khắc của Henri Oger. Trong quá trình sinh sống ở Hà Nội cũng như đồng bằng Bắc Bộ, Henri Oger đã khắc vẽ lại những gì ông tận mắt nhìn thấy về đời sống của người dân bản xứ, trong đó có tết Trung thu. “Chúng tôi đã tập hợp lại, chắt lọc và phân theo những chủ đề như: Bánh Trung thu, đồ chơi Trung thu…” – bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh. Ngoài ra, Trung tâm di sản Thăng Long – Hà Nội còn trưng bày đồ chơi Trung thu cổ được phục chế lại. Thông qua tư liệu ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Al Kant, lần đầu tiên những đồ chơi Trung thu được bày bán trong cửa hàng phố cổ Hà Nội được phục chế lại từ những nguyên liệu truyền thống. Các em nhỏ còn được gặp các nhà nghiên cứu dân gian, nghệ nhân để lắng nghe các câu chuyện về Trung thu xưa và nay. Tạo ra hoạt động Trung thu có chiều sâu suy ngẫm là điều khác biệt của mỗi dịp Tết trông trăng ở Hoàng thành Thăng Long.
Trung thu không máy lạnh
Năm 2016 là năm đầu tiên Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức vui Tết Trung thu tại sân Đoan Môn. Trong 3 ngày diễn ra, hàng nghìn thiếu nhi và phụ huynh đến khu di sản để đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống và nhảy bao bố. Mặc dù phải “mướt mồ hôi” khi làm quen với các trò chơi dân gian nhưng rất nhiều bạn trẻ đã cảm thấy hào hứng và hứng thú khi được trải nghiệm. Nhiều bạn trẻ không những chỉ chơi một lần mà còn chơi đi chơi lại rất nhiều lần, cho dù ở không gian diễn ra chương trình ở ngoài trời.
Năm nay, cũng tại sân Đoan Môn, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của Trung thu như múa rối nước, múa rối cạn, múa sư tử sẽ tiếp tục được diễn ra. Hoạt động trải nghiệm và tương tác làm đồ chơi Trung thu dân gian cũng sẽ làm điểm nhấn chương trình. Gần một tháng trước sự kiện, các nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, Đỗ Văn Kỳ, Đỗ Thị Xuân, Hoàng Bá Nhất, Lê Thị Hà… hàng ngày miệt mài trải chiếu hướng dẫn 180 tình nguyện viên làm chong chóng, nặn tò he, làm đèn kéo quân, làm bánh Trung thu… Đã gần 80 tuổi nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn không ngại di chuyển hàng chục cây số từ Thanh Oai lên Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long (số 9 Hoàng Diệu) để dạy lũ trẻ làm đèn, vừa là chuẩn bị đón Tết Trung thu, vừa mong níu kéo một chút nghề có tính văn hóa truyền thống.
Năm nay, chương trình Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội sẽ kéo dài từ 28/9 - 4/10. Đêm bế mạc sẽ có hoạt động Đêm rằm phá cỗ kéo dài từ 19 - 21 giờ 30 phút để các em nhỏ vừa vui chơi vừa trông trăng tại sân Đoan Môn.
Theo kinhtedothi.vn