Hôm nay (22/12), HĐXX TAND Hà Nội bước vào ngày xét xử thứ 2 đại án khiến Agribank thất thoát gần 2.500 tỷ đồng với 18 bị cáo. Trong đó có nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Với cương vị là người đứng đầu Agribank Nam Hà Nội, Lương đã chỉ đạo, trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định để được nhận hoa hồng tiền tỷ khiến Agribank thất thoát gần 2.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo tài liệu, cơ quan điều tra đang tạm giữ 1 xe ô tô nhãn hiệu Bentley trị giá gần 3,5 tỉ đồng được Ahmed El Fehdi gửi tặng cho Phạm Thị Bích Lương.
Bị cáo Lê Minh Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty Vietmade.
Tuy nhiên, tại phần xét hỏi, bị cáo Lương phủ nhận việc hưởng lợi trong việc giải ngân tiền cho doanh nghiệp. Chiếc xe ô tô nhãn hiệu Bentley là “nhờ” Ahmed El Fehdi mua hộ.
Cáo trạng khẳng định, sau khi hạn mức tín dụng tại dự án Dệt-Nhuộm-May hết, công ty cổ phần Enzo Việt đề nghị Agribank CN Nam Hà Nội tiếp tục cho vay vốn để thực hiện dự án. Agribank CN Nam Hà Nội từ chối vì đã hết hạn mức cho vay.
Trợ thủ đắc lực, giúp Phạm Thị Bích Lương (46 tuổi, cựu Giám đốc Agribank CN Nam Hà Nội) tìm cách "lách" hạn mức vay để tiếp tục được vay tiền phải kể đến là Chử Thị Kim Hiền (57 tuổi, cựu Phó giám đốc Agribank CN Nam Hà Nội).
Trong vụ án này, Hiền đã giới thiệu Lê Minh Hiếu (41 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietmade, đại diện theo pháp luật công ty CP Lifepro Việt Nam).
Theo đó, Hiếu sử dụng 2 pháp nhân của mình ký hợp đồng tín dụng với Agribank CN Nam Hà Nội, mục đích sử dụng vốn vay để nhập khẩu nguyên phụ liệu cho Công ty CP Enzo Việt. Hiếu được hưởng 3,2 – 3,8% trên giá trị vay vốn.
Theo đó, Hiếu cùng cán bộ ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Lương, Hiền đã chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ pháp lý, tạo lãi khống cho 2 công ty của Hiếu vay vốn, thực hiện hợp đồng như thỏa thuận.
Năm 2008, 2009, công ty Hiếu làm ăn thua lỗ, nợ thuế, bị xử phạt vì vi phạm thuế… Và không có tài sản đảm bảo nhưng Hiếu vẫn được vay tổng số tiền 470 tỷ đồng.
Sau khi được Agribank CN Nam Hà Nội giải ngân, Hiếu được phía Công ty CP Enzo Việt chuyển hơn 19,5 tỷ đồng, trở thành cổ đông của công ty này từ tháng 1/2011. Còn những cán bộ ngân hàng được hưởng hoa hồng 3 tỷ.
Cụ thể, Hiền chia tiền theo chỉ đạo trực tiếp của Lương: đưa cho các cán bộ cấp dưới 420 triệu đồng, Hiền 800 triệu đồng, Lương 1,2 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Lương lại không thừa hành vi phạm tội của mình như lời khai của Hiếu, Hiền trước HĐXX.
Lương khẳng định mình không biết công ty của Hiếu không đủ điều kiện để vay vốn: "Đến bây giờ bị cáo mới biết hồ sơ doanh nghiệp trình để vay vốn ngân hàng là không trung thực… giờ bị cáo mới biết là tiền đã bị các đối tượng người nước ngoài chiếm đoạt".
Trình bày về số tiền hoa hồng hơn 1,2 tỷ đồng, Lương nói sau khi biết tin công nhân ở Ninh Bình đình công, đã chuyển lại cho Hiếu để trả lương công nhân. Lương cũng không thừa nhận số tiền 500 nghìn USD nhận từ Ahmed El Fehdi và Bouker El Fehdi chuyển qua tài khoản của vợ Hiếu là tiền hoa hồng sau khi cho vay.
Thế nhưng sau đó, Lương lại mang 300 nghìn USD đến nhà Phạm Thanh Tân (50 tuổi, cựu Tổng giám đốc Agribank) và một số bị cáo khác 200 nghìn USD.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn.
Thúy An