Trong báo cáo vừa công bố dựa trên dữ liệu thu thập tại 192 quốc gia trên thế giới, IFRC nhấn mạnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã gây ra những tác động không đồng đều đối với những nhóm người dễ bị tổn thương. Theo đó, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người rơi vào cảnh mất việc làm và thu nhập. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, cản trở việc tiếp cận giáo dục và các biện pháp phòng, chống bạo lực trong khi làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký IFRC Francesco Rocca cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những gì chúng tôi đã nghi ngờ và quan ngại từ lâu, đó là các tác động gián tiếp mang tính hủy diệt của đại dịch đã phá hủy cấu trúc xã hội và những tác động này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tới". Ông Rocca nêu rõ báo cáo đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về những người vốn đã dễ bị tổn thương do xung đột, biến đổi khí hậu và nghèo đói, nay lại bị đẩy xa hơn tới bờ vực.
Theo báo cáo của IFRC, trên khắp thế giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Họ có nhiều nguy cơ bị mất việc hơn so với nam giới, một phần vì họ thường làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của các biện pháp hạn chế phòng dịch như du lịch. Báo cáo cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa đã làm gia tăng đáng kể nạn bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
Những người di cư, người tị nạn và những người phải di dời chỗ ở trong nước cũng là nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo IRFC, tác động lớn nhất đối với những người này là vấn đề việc làm. Khoảng 80% số người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ tham gia khảo sát cho biết ít nhất một thành viên trong gia đình họ đã bị mất việc do dịch bệnh.