Đại sứ Hùng Ba: Định vị mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo Thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2017
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2017

Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã trả lời phỏng vấn báo chí về những nội dung liên quan đến chuyến thăm:

PV: Năm 2023 đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong những năm gần đây, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực. Đại sứ đánh giá thế nào về tiến triển của quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua?

Đại sứ Hùng Ba: - Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng là mối quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc rất đặc biệt. Hai nước chúng ta đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo; là hai nước láng giềng hữu nghị, núi sông liền một dải. Có thể nói, hai nước láng giềng có đầy đủ các đặc trưng nêu trên, trên thế giới rất là hiếm thấy.

Nhắc đến mối quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam, chúng ta không thể không nhớ đến mối quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam trong quá khứ. Từ giữa thế kỷ trước, trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài giành độc lập cho đất nước và giải phóng dân tộc, hai nước luôn kề vai sát cánh, cùng nhau chiến đấu và ủng hộ lẫn nhau, kết nên tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã có đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng hữu nghị giữa hai nước.

"Mối tình hữu nghị Việt - Hoa vừa là đồng chí vừa là anh em", là sự thể hiện sinh động nhất đối với quan hệ hai Đảng, hai nước Trung-Việt. Đây cũng là lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo chiến lược của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mối quan hệ hai Đảng, hai nước, mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam không ngừng đạt được tiến triển mới. Đặc biệt là năm ngoái, ngay sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc thành công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời mời sang thăm Trung Quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Trung Quốc và chuyến thăm này đã thành công hết sức tốt đẹp. Đây cũng là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư hai Đảng đã đạt được nhận thức chung quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ Trung - Việt bước lên tầm cao mới và xác định phương hướng cho sự phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.

Tin cậy chính trị giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm nay, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi chiến lược mật thiết.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Trung Quốc dự Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai Con đường lần thứ ba. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Thiên Tân để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai sang thăm Trung Quốc vào tháng 4/2023.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu địa phương cũng sang thăm Trung Quốc.

Gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị đã đến thăm Việt Nam và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Dũng đã đến thăm Việt Nam. Ba đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh và khu tự trị như Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam (Trung Quốc) lần lượt đến thăm Việt Nam.

Thông qua những cuộc tiếp xúc và trao đổi cấp cao, Lãnh đạo hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến về những nội dung quan trọng, học hỏi, tham vấn lẫn nhau về kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước.

Lĩnh vực thương mại và đầu tư có rất nhiều điểm nhấn trong mối quan hệ giữa hai nước.

Việc đi lại và giao lưu hợp tác giữa nhân dân hai nước rất sôi nổi. Sau khi hai bên nới lỏng chính sách phòng, chống dịch, hoạt động đi lại giữa nhân dân hai nước cũng nhanh chóng được khôi phục. 11 tháng năm 2023, số lượng du khách Trung Quốc sang Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu người.

Nhìn chung, kể từ năm ngoái, mối quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam đã duy trì đà phát triển hết sức tốt đẹp và mạnh mẽ. Chúng tôi tràn đầy niềm tin đối với sự phát triển và tương lai của quan hệ hai Đảng, hai nước.

*Phóng viên: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với quan hệ hai nước, thưa Đại sứ?

*Đại sứ Hùng Ba: Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của đồng chí Tập Cận Bình kể từ sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11/2012) trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đáp lại chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; là chuyến thăm lẫn nhau lần thứ ba của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng kể từ năm 2015.

Kiên trì sự dẫn dắt chiến lược của Lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng là ưu thế lớn nhất và đảm bảo căn bản đối với sự phát triển quan hệ Trung Quốc - Việt Nam. Về thời điểm diễn ra chuyến thăm, chúng ta phải nhìn nhận ở bối cảnh lớn hiện nay, tức là biến cục trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Trên thế giới, một số khu vực đang xảy ra chiến tranh và xung đột; tại khu vực Đông Á, hiện trạng hòa bình và phát triển đang duy trì như hiện nay là điều hết sức đáng quý.

Nhìn từ phương diện tình hình nội bộ của hai nước, hiện tại, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của hai nước đang bước vào hành trình mới và giai đoạn phát triển mới. Tôi tin rằng hai Nhà Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng có rất nhiều ý kiến muốn trao đổi với nhau về nội dung này.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là cơ hội rất quan trọng để Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì và tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao trong tình hình mới, dựa trên nền tảng vững chắc của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam được tích lũy trong 15 năm, tiếp tục xác định vị thế mới của quan hệ song phương trong thời kỳ mới, xác định hướng đi mới cho sự phát triển tiếp theo, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của quan hệ Trung - Việt. Vì vậy, có thể nói một cách khái quát là định vị mới, hướng đi mới, động lực mới.

Đại sứ có thể cho biết trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ đi sâu trao đổi những nội dung gì và những thỏa thuận quan trọng nào sẽ được ký kết?

- Trước tiên, hai Đảng đều lấy mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, mưu cầu tiến bộ cho nhân loại làm nhiệm vụ quan trọng của mình. Xung quanh hai nội dung quan trọng này, hai bên sẽ thông báo cho nhau những tiến triển mới nhất trong công cuộc phát triển Đảng, Nhà nước của mỗi bên và đi sâu trao đổi làm sâu sắc, nâng tầm hơn nữa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước trong thời đại mới. Như tôi đã nêu, hai bên sẽ xác định rõ phương hướng phát triển của mối quan hệ hai nước trong tình hình mới.

Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng, như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác ở các cơ chế đa phương.

Dự kiến, hai bên sẽ ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, hợp tác giữa các cơ quan và địa phương, an ninh - quốc phòng, tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế, thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển... Đồng thời, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo hai nước sẽ đi sâu trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Vì vậy, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thế giới và chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước thời gian qua luôn duy trì trao đổi mật thiết. Điều này có vai trò quan trọng gì đối với phát triển quan hệ hai nước, thưa Đại sứ?

- Như tôi đã nêu, kiên trì sự dẫn dắt chiến lược của Lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung - Việt là ưu thế lớn nhất và sự đảm bảo căn bản nhất. Tôi cho rằng, đó cũng là kinh nghiệm rất quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng lành mạnh, ổn định, bền vững trong quan hệ hai nước những năm gần đây.

Có thể nói, mỗi lần trao đổi giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều là sự giao lưu tư tưởng, trao đổi chiến lược quan trọng giữa hai nhà chính trị, nhà lý luận, nhà chiến lược chủ nghĩa Marx vĩ đại đương đại và đều phát huy vai trò định hướng mang tính quyết định đối với sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Hai nước chúng ta thường xuyên nói là mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông xây dựng và vun đắp là tài sản chung quý báu của hai nước chúng ta. Tôi cho rằng, mối quan hệ hữu nghị nồng thắm giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước. Hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này.

Xin Đại sứ cho biết ý kiến về triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam -Trung Quốc; về những biện pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên?

- Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc đang tích cực mở rộng nhập khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, từ Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số nhập siêu đã giảm 24,8 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc là một trong số ít thị trường xuất khẩu của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương.

Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Trong 3 quý năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam là tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng của năm nay, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 1,95 tỷ USD.

Đầu năm, Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc trong 2023, lúc đó tôi đã nói đến chắc chắn sẽ vượt qua con số này, thậm chí là gấp đôi và hiện tại đã gấp 2 lần, dù chưa hết năm. Gần đây, tôi gặp nhiều phái đoàn, du khách Trung Quốc sang thăm Việt Nam, họ đều nói rằng sầu riêng Việt Nam rất ngon, giá phù hợp và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.

Ngoài ra, dừa tươi của Việt Nam cũng rất có triển vọng. Trung Quốc đang đẩy nhanh các thủ tục cũng như tham vấn trình tự kiểm kiểm dịch dừa tươi. Tiềm năng của mặt hàng này rất lớn.

Trung Quốc và Việt Nam đều là những nền kinh tế đang phát triển và dựa vào xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, tính theo số liệu năm ngoái gần gấp đôi quy mô GDP. Vì vậy, đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, việc có được môi trường thương mại quốc tế tự do rộng mở và ổn định hết sức quan trọng.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo TTXVN
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.