Phải có ai đó chịu trách nhiệm cho thất bại chống ngập đường Võ Văn Ngân

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dự án chống ngập đường đường Võ Văn Ngân sau hai trận mưa hai lần đường bể cống bung, khắp nơi lênh láng, nước chảy như sông, dân tình khốn đốn.
Nhà báo Trần Tây Côn
Nhà báo Trần Tây Côn

1/ Ba ngày trước Lễ 30/4, dự án mang tên “Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân” rầm rộ khánh thành sau nhiều năm chậm tiến độ. Thông tin được loan ra, công trình hoàn thành góp phần giải quyết thoát nước, ngập nước, vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực.

Chỉ hai mươi ngày sau, cơn mưa chiều 15/5 như dội một gáo nước lạnh vào những hân hoan trước đó. Nước chảy thành sông, nhựa đường bong tróc, nắp cống bung lên, nước phun ào ào cuốn theo bùn rác tấn công vào bất kể nơi nào có thể, hàng quán thì ngập sâu, nhà dân phải chặn cửa, nước xiết xô ngã người đi đường, giao thông tê liệt trong hàng chục phút.

Khung cảnh tương tự cũng xuất hiện trong cơn mưa tiếp theo. Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Quản lý hạ tầng TP.Thủ Đức, cơn mưa ngày 15/5 ghi nhận 15 điểm ngập, phức tạp nhất là khu vực quanh chợ Thủ Đức, có nơi ngập sâu hơn nửa mét. Hình ảnh trên mạng xã hội còn chụp được cảnh có nơi nước sâu ngang đùi người trưởng thành.

Đối chiếu danh sách 18 điểm ngập trên toàn địa bàn TP.HCM do Sở Xây dựng thống kê cho thấy, nhiều điểm ngập tại TP.Thủ Đức trong những cơn mưa vừa qua chỉ mới xuất hiện sau khi hệ thống thoát nước hàng trăm tỷ đồng chính thức đi vào vận hành.

Chứng thực cho điều này là những kinh hãi, bàng hoàng, thảng thốt của người dân dọc đường và tiểu thương chợ Thủ Đức: “Trước khi dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân khánh thành, khu vực có ngập nhưng rút nhanh, lần này nước ngập diện rộng và sâu chưa từng có”.

2/ Hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân là một trong những dự án quan trọng được cả chính quyền và người dân thành phố kỳ vọng để xoá tan nỗi ám ảnh ngập nước khi mưa.

Nhưng lẽ đời mong đợi càng lớn thì thất vọng càng nhiều, công trình không chỉ bây giờ mà trước khi khánh thành đã gây ra nhiều bức xúc trong lòng người dân và tổn hao không biết bao nhiêu là giấy mực của báo giới vì những trì trệ, ì ạch, yếu kém trong quá trình thi công.

Dự án được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương vào năm 2017, giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Thủ Đức làm chủ đầu tư với tổng vốn ngân sách hơn 248 tỷ đồng. Ban đầu, nhà thầu xây lắp chính với giá trị gói thầu 100 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh dưới sự tư vấn giám sát của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng thương mại Đại Phú Thành.

Công trình khởi công vào tháng 12/2020 nhưng sau đó tạm dừng, điệp khúc thi công và tạm dừng lặp đi lặp lại cho mãi đến tháng 6/2023 thì ngưng hẳn. Bốn tháng sau, chủ đầu tư quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Công ty Anh Vinh khi khối lượng đạt 50% vì những trì trệ, gián đoạn, ảnh hưởng an toàn giao thông và gây dư luận xấu.

Tiếp đó, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thịnh Phát trúng thầu hơn 56 tỷ đồng thi công hoàn thành những phần việc còn lại. Sự khẩn trương của nhà thầu mới trong 4 tháng đầu năm ít nhiều mang lại cảm giác phấn khởi cho người dân sau quãng thời gian dài chịu đựng nhà thầu cũ.

Nhưng tất cả cảm xúc chìm nghỉm theo những cơn mưa, những lần sóng cuộn, những đợt phun trào, đôi lần bong tróc! Nhà thầu Thịnh Phát cũng như Công ty Anh Vinh, cả hai đều mang đến những điều ta thán, ngao ngán, bất lực!

Phải có ai đó chịu trách nhiệm cho thất bại chống ngập đường Võ Văn Ngân ảnh 1

Dù nước trên mặt đường Võ Văn Ngân đã rút nhưng dưới cống vẫn tiếp tục trào lên.

3/ Quay lại thời điểm cách đây 16 năm, hàng loạt sai phạm trong thi công xây dựng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Q.Bình Thạnh cũng bị Thanh tra chỉ rõ, nhiều cá nhân phải hầu toà và vướng vòng lao lý.

Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh trở thành công trình sở hữu nhiều bê bối nhất thành phố, kỷ lục về những sai phạm của tất cả các bên liên quan, từ Chủ đầu tư, Đơn vị tư vấn thiết kế, Nhà thầu thi công, Giám sát đến góc độ quản lý của Sở Giao thông Vận tải.

Tổng vốn đầu tư ban đầu là 278 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 419 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng đầu năm 2002 nhưng chỉ gần 6 năm sau thành phố phải chi hơn 141 tỷ đồng sửa chữa một số hạng mục sụt lún, hư hỏng và bồi thường cho 57 hộ dân bị nứt nhà gần 4 tỷ đồng.

Những sai phạm trong quá khứ để lại hậu quả dai dẳng suốt hơn mười năm tiếp theo, mặt đường sụt lún, thoát nước tệ hại, hễ mưa là ngập, hết ngập đường lại đến ngập nhà dân… Con đường trở thành rốn ngập buộc thành phố tiếp tục sử dụng thêm 473 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và hoàn thành năm 2021.

4/ Câu chuyện về dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân cũng đang xuất hiện rất nhiều vấn đề tương tự đường Nguyễn Hữu Cảnh năm xưa khi tiêu tốn hơn 248 tỷ đồng nhưng chỉ 20 ngày đã xuất hiện bất cập về chất lượng công trình.

Có lẽ, Lãnh đạo TP.HCM nên thành lập tổ thanh tra, kiểm tra toàn diện dự án này để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm (nếu có), từ đó đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân.

Phải có ai đó chịu trách nhiệm trước sự vô lý đến cùng cực của dự án chống ngập này chứ không lẽ chỉ bức xúc xong rồi đâu lại vào đấy?!

TIN LIÊN QUAN
Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
(Ngày Nay) - Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
(Ngày Nay) - Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
Toàn cảnh Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Gìn giữ văn hóa bản địa qua trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình
(Ngày Nay) - Tối 17/11, tại Quảng trường Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11/2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Đoàn kết xây dựng khu dân cư tự quản, văn minh, hạnh phúc
(Ngày Nay) - Tối 17/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn công tác Trung ương đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tỉnh Ninh Bình và đông đảo cán bộ, nhân dân Tổ dân phố 4, phường Đông Thành.
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Tỉnh Hưng Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều hoạt động hỗ trợ và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhằm mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
(Ngày Nay) - Ngày 16/11, trong cuộc thảo luận về tuyên bố chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà ngoại giao của nhóm đã gặp khó khăn trong việc thu hẹp bất đồng về nguồn tài chính để giải quyết biến đổi khí hậu và vấn đề đánh thuế nhóm siêu giàu.