Theo Thông cáo đặc biệt phát chiều 20/7, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 22h ngày 25/7 và 7h đến 13h ngày 26/7; lễ truy điệu 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Trong hai ngày Quốc tang, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Ban lễ tang gồm 35 người do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban. Các thành viên còn lại gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng và đại diện các Ban, Bộ, ngành.
Ban tổ chức lễ tang gồm 27 người do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường là Trưởng ban. Hai phó ban là Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc.
13h38 ngày 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh, dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ, tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc. Ông thọ 80 tuổi.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá trong gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc".
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế như Huân chương Vàng quốc gia của Chủ tịch nước Lào, Huân chương Hữu nghị của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Giải thưởng Lênin - giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Huân chương José Marti của Đảng, Nhà nước Cu Ba.