Đúng 1h chiều, nhóm nhân viên IT thuộc Công ty Adoc International ở Tokyo (Nhật Bản) đứng dậy, rời khỏi bàn làm việc để thực hiện những động tác co giãn, vặn mình theo tiếng radio đang phát: "Một, hai, ba". Cùng lúc, tại Công ty Fujikura, những người đàn ông vận sơmi, quần tây lủng lẳng trên những thanh xà đủ màu sắc. Tất cả họ đều đang tham gia tập thể dục giữa giờ, một chính sách được hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh gần đây.
"Dân số Nhật đang già đi nhanh chóng và có rất ít trẻ em. Đây là nguy cơ lớn đối với các doanh nghiệp", Japan Times dẫn lời ông Kenichiro Asano thuộc nhóm chăm sóc sức khỏe của Fujikura cho biết. "Giữ gìn sức khỏe cho nhân viên là chiến lược quan trọng. Sức khỏe tốt đồng nghĩa với tập thể mạnh, công ty mạnh".
Để thực hiện chiến lược này, mỗi công ty đưa ra một cách thức riêng. Adoc International lựa chọn rajio taiso, bài tập thể dục dài ba phút ra đời từ những năm 1920 bởi nó vô cùng đơn giản và hầu hết người Nhật đều quen thuộc.
Bên cạnh đó, rajio taiso được phát thường xuyên trên kênh NHK, bao gồm cả những biến thể dành riêng cho cụ già và bệnh nhân tàn tật. Ước tính hiện nay ở Nhật có 28 tập triệu người tập rajio taiso hàng ngày.
Khác với Adoc International, hãng Toyota tự sáng tạo một bài vận động còn nhân viên Sony cứ đến 3h chiều lại tham gia nhóm co giãn tập thể.
Trong khi đó, công ty bán hàng trực tuyến Rakuten đầu tư 12.000 bàn làm việc di động. Nhân viên có thể chọn đứng, ngồi tùy ý. "Tôi rất dễ mệt mỏi nếu phải ngồi lâu nên thật tốt khi được đứng lên", Liu Xiaolu 35 tuổi làm việc tại Rakuten bày tỏ.
Ủng hộ cách làm việc của những doanh nghiệp trên, giáo sư hành vi sức khỏe Koichiro Oka từ Đại học Waseda tin rằng các công ty cần chú ý tăng cường sức khỏe cho nhân viên. "Suy nghĩ mình không cần vận động trong tuần vì thứ bảy, chủ nhật sẽ tập luyện bù hoàn toàn sai lầm", giáo sư Oka nói. "Không vận động trong tuần có thể dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác".