Thực tiễn cho thấy, không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công cuộc đổi mới, không có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có được công cuộc đổi mới theo định hướng đúng đắn.
Công cuộc đổi mới là sự lựa chọn khoa học và cách mạng nhằm mục tiêu phát triển đất nước, trước hết là phát triển kinh tế, là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam được đánh dấu từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986).
Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế.
Trong gần 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Ảnh: Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau mỗi năm đóng góp trên 40% nguồn thu ngân sách và tạo ra hơn 30% việc làm cho lao động địa phương tại tỉnh Cà Mau. |
Đây là một bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền đề lý luận cho việc triển khai đồng bộ và nhất quán các giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là giải pháp cải cách kinh tế để giải phóng sức sản xuất, thực hiện sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt thời gian dài trước đổi mới, chúng ta duy trì quá lâu nền kinh tế hiện vật, kế hoạch, phi hàng hóa, phi thị trường, mặc dù trong giai đoạn lịch sử trước đây nền kinh tế này có vai trò nhất định trong việc động viên sức người, sức của cho chiến tranh giải phóng, nhưng đã trở nên bất cập, kìm hãm sự phát triển trong điều kiện mới.
Nền kinh tế nước ta đứng trước yêu cầu phải đổi mới về mọi mặt từ cơ cấu kinh tế đến cơ chế kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với kinh tế, tổ chức bộ máy, phương thức và phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng phải thay đổi.
Do đó, đổi mới là tất yếu vừa để đón kịp thời cơ, vừa chủ động chấp nhận và vượt qua thách thức để phát triển. Đổi mới, do đó cũng là mở đường cho những nhận thức sáng tạo, thúc đẩy mọi hành động tích cực, năng động sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội và dân chủ hóa đời sống xã hội.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.
Sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng với cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Trong ảnh: Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng dài 24,6km được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km; từ Hạ Long đi Hải Phòng chỉ còn 25km thay vì 75km như trước đây. |
Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Nếu như giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%...
Theo Dự thảo Báo cáo chính trị tháng 10/2020 trình Đại hội XIII của Đảng: Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011-2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ động từng bước chuyển dịch sang các nước có trình độ phát triển cao và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu có tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa trong nước.
Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019).
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục lên tới 20,1 tỷ USD.
Sau 35 năm vượt qua các thử thách và khó khăn to lớn, tiến hành công cuộc đổi mới trên mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội..., đến nay, Việt Nam có đủ cơ sở để khẳng định rằng đổi mới đất nước là sự lựa chọn đúng đắn, đã đặt Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới về chất, phù hợp với xu thế của thời đại và với ý nguyện của nhân dân.
Công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Trải qua 35 năm phấn đấu bền bỉ, phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, dù trong hoàn cảnh thời cơ và nguy cơ đan xen nhau, có lúc nguy cơ lấn át cả thời cơ, công cuộc đổi mới đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện.
Trong thời gian tới, với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc./.