Dâng sao giải hạn chính là mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết!

Dâng sao giải hạn chính là mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết! ảnh 1
Cảnh một “biển người” chen chúc trước các ngôi chùa, đền, phủ… để “dâng sao giải hạn” trong dịp đầu xuân không phải là một điều gì quá xa lạ. Thế nhưng, khi sự việc ấy liên tục được lặp đi lặp lại, rõ ràng đó là một hiện tượng xã hội không bình thường.
_________________

Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân lại tìm đến các ngôi chùa, đền, phủ, điện để làm lễ dâng sao giải hạn. Mặc dù việc cúng sao giải hạn không được thừa nhận trong giáo lý Phật giáo (khi đi ngược với giáo lý về luật nhân - quả), song việc cúng lễ vẫn được diễn ra công khai.

Tại Hà Nội, những ngôi chùa như chùa Phúc Khánh, chùa Hà, chùa Quán Thánh… dịp này có hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về làm lễ. Hình ảnh người dân xếp hàng dài hàng trăm mét trên đường, thấp thỏm, chen lấn để được vào làm lễ, xin lộc là cảnh tượng quen thuộc nhiều năm. Thậm chí có người sẵn sàng chi hàng trăm triệu để sắm lễ, mong được qua khỏi mọi vận hạn, năm mới bình an.

Trao đổi với Ngày Nay về hiện tượng này, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa – GS. Trần Lâm Biền đã có những ý kiến thẳng thắn về vấn đề này.

Điều gì dẫn đến hiện tượng người người, nhà nhà làm lễ dâng sao giải hạn như hiện nay, thưa ông?

Theo tôi nguyên nhân một phần là do thiếu hiểu biết. Trí tuệ phát triển mạnh, tự nhiên sẽ giảm bớt những sai lầm về nhận thức. Tất cả mọi sự ấy, không có trí tuệ thì tâm không vững. Tâm không được trí tuệ làm bệ đỡ thì càng dễ dẫn đến mê tín dị đoan.

Dâng sao giải hạn chính là mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết! ảnh 2

Thêm nữa, khi con người thiếu sự rèn luyện về tư tưởng thì dễ bị “hụt hẫng tinh thần”. Chính từ sự hụt hẫng ấy (đa số nảy sinh khi điều kiện vật chất vượt qua thời kỳ khó khăn), con người dễ nảy sinh ý thức “lục vấn tinh thần” – dễ bị lôi kéo vào sự sai trái.

Người dân đi cúng sao giải hạn ngày càng đông có thể do sự hiểu biết, giác ngộ về đạo Phật chưa cao. Bên cạnh đó là sự tuyên truyền “thiếu tử tế”, có chủ đích của những kẻ lợi dụng... 

Liệu có thể đánh đồng giữa lễ cầu an với lễ dâng sao giải hạn hay không?

Không! Lễ cầu an ở bất cứ một di tích nào cũng có, chẳng hạn như ở trong các đình, đền thì gọi là lễ “kỳ yên”, còn ở chùa thường gọi là lễ cầu an. Lễ “kỳ yên” mang tính chất tiến bộ, thể hiện ước vọng của con người. Bản chất của nó chính là cầu cho “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh”. Đấy là cầu an cho chúng sinh chứ không phải cho bất cứ một cá nhân nào đó. Nếu một khi lễ kỳ yên phục vụ cho mục đích cá nhân thì khi đó nó đã đi ra ngoài yếu tố trong sáng của truyền thống.

Vậy theo ông, lễ dâng sao giải hạn có đúng trong giai đoạn hiện nay không?

Thực ra mà nói, sao trời đã được người thời xưa quan tâm từ rất sớm. Ngay từ thời cổ đại ở vùng Trung Cận Đông, người đương thời đã nghiên cứu nhiều về trật tự sao trời. Họ đã thấy mỗi giờ, mỗi phút thì trật tự của chúng như lại thay đổi. Họ cho rằng, khi mỗi con người sinh ra sẽ như gắn những sự thay đổi đó. Hay nói cách khác là sự khác nhau của số phận con người đồng nhất với sự thay đổi của các sao. Vì vậy, họ đã tìm mối quan hệ giữa sao trời với con người. Từ mối liên hệ ấy mới sinh ra mối liên hệ giữa đời sống và trật tự của sao trời. Chắc chắn rằng, tử vi cũng từ vùng Trung Cận Đông mà ra.

Người xưa quan niệm rằng, người được hưởng số phận tốt sẽ ứng với sao tốt và ngược lại, người có số phận xấu sẽ ứng với sao xấu. Quan niệm này khi đến Trung Hoa thì phát triển theo một hướng mới, gắn với đời nhiều hơn gắn với bản chất của vũ trụ. Điều này thể hiện ở chỗ, không có một vị vua, lãnh chúa hay địa chủ lớn nào có tử vi xấu bởi người ta cho rằng, vua là thiên tử (con trời) – người đứng ra bảo vệ trật tự của xã hội.

Còn ở nước ta – một nước luôn lấy cộng đồng làm trọng thì khi quyền lợi cá nhân nảy sinh, nó sẽ hướng tôn giáo, tín ngưỡng theo nhu cầu cá nhân (đặc biệt là thời kỳ kinh tế thị trường phát triển).

Dâng sao giải hạn chính là mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết! ảnh 3

Nếu như trước đây, khi thấy những điều xấu, con người sẽ tránh né hoặc tự tu luyện để tránh né thì nay họ lại cố gắng tìm cách “nhờ cậy” những đấng siêu nhiên bằng việc “nịnh hót”, “hối lộ” thần linh. Thế nhưng con người không biết rằng, việc làm này đang đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Họ đã kéo thần linh xuống trần để “bôi nhọ”, làm “ô uế” cõi thiêng liêng. Cũng chính vì thế, lễ dâng sao giải hạn có chỗ đứng ở Việt Nam hiện nay.

Sự không hiểu biết của con người đã kéo thần linh “hòa nhập” vào cõi đời trần tục và trở thành công cụ phục vụ cho các ý thức cá nhân không mấy tốt đẹp, xa rời đạo đức truyền thống. Chính vì vậy, dâng sao giải hạn không bao giờ có thể đúng với giai đoạn hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, lễ dâng sao giải hạn chính là mê tín dị đoan, ông nghĩ sao về điều đó?

Nếu dâng sao giải hạn trước đây là một sự “cầu viện” những đấng siêu nhiên để cho mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh thì nay nó đã chuyển sang ý thức không mấy tốt đẹp về ước vọng của con người với tinh thần “đồng tiền trong nhà thì chửa, ra ngoài cửa thì đẻ” và đẻ bằng bất kể giá nào.

Dâng sao giải hạn chính là mê tín dị đoan, thiếu hiểu biết! ảnh 4

Hiện nay, khi nhận thức của một số người đã mang nhiều sự sai lầm thì đó là mầm mống, là bệ đỡ cho sự mất đạo đức và ảnh hưởng đến trật tự của xã hội. Không ai còn sống hiện nay để biết thực sự lễ dâng sao giải hạn ngày xưa như thế nào. Nhưng chắc chắn rằng, dâng sao giải hạn hiện nay là một khía cạnh của mê tín dị đoan.

Dưới góc nhìn của nhà văn hóa, theo ông, làm thế nào để tệ nạn này không tiếp tục bùng nổ?

Nếu hành vi này gây ra mất trật tự giao thông, trật tự xã hội thì những đơn vị chức năng như công an giao thông, chính quyền địa phương… phải giải quyết. Còn ảnh hưởng tới vấn đề tư tưởng, nhận thức thì các cơ quan chức năng liên quan như các bộ phận gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của chính quyền, ngành văn hóa cũng như các cơ quan truyền thông phải tìm hiểu, tuyên truyền cần vạch ra điểm thực chất của vấn đề để nâng cao dân trí.

Dù sao trong sự phát triển bao giờ cũng có sự khủng hoảng phát triển. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ tiêu vong khi kinh tế và dân trí được nâng cao. Đây là bài học được ghi nhận của nhiều cư dân trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.