Hội nghị có 21 tham luận do các diễn giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như CH Síp, Nga và Hàn Quốc,...cùng các chuyên gia từ nhiều tỉnh thành có di sản văn hóa như Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu...
Đây là hội thảo quốc tế lần thức 5 ( kể từ năm 2011 tới nay) được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chủ trì trong khuôn khổ cuộc vận động quốc tế với chủ để “Giáo dục Đạo đức Toàn cầu” do Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới phát động tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 8/2011 nhân tổ chức Đại hội Liên hiệp các Hội UNESCO TG và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới.
Toàn cảnh hội nghị. |
Trong đó, Hội nghị quốc tế "Nhiệm vụ Bảo tồn và Phát huy ý nghĩa của các di sản văn hóa được UNESCO công nhận" là hội nghị quốc tế lần thứ hai bàn về những vấn đề liên quan đến sự nghiệp bảo tồn di sản – vốn là mối quan tâm chung hiện nay của các quốc gia, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và hình thành những chuẩn mực căn bản của nền đạo đức toàn cầu.
Tại hội nghị, các diễn giả và các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận, đúc kết những bài học được tổng kết từ thực tiễn để làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan tới công tác bảo tồn và phát huy ý nghĩa của di sản văn hóa.
Ông Michael Croft - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội trình bày tham luận về vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. |
“Là một tổ chức phi chính phủ hoạt động theo tiêu chí UNESCO, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn coi việc động viên khuyến khích hội viên của mình và kêu gọi cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn các di sản quốc gia, đặc biệt là đối với các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức.
Chúng tôi hiểu rằng mang danh hiệu UNESCO - đó không phải là mục tiêu mà chính là chất xúc tác tích cực góp phần định hướng cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa của các quốc gia. Ý nghĩa đích thực mỗi di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận không chỉ dừng lại ở chiếc bằng chứng nhận của UNESCO mà đó là một khối lượng công việc to lớn liên quan đến chính sách, đầu tư và vận động xã hội để phát huy ý nghĩa và giá trị của các di sản phục vụ cho các các mục tiêu mang tính nhân văn, hướng thượng của đời sống”, ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại sự kiện.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Thắng, bà Tatiana Bogina - Ủy viên BCH Liên hiệp các Trung tâm và CLB UNESCO Ural-Siberia Liên bang Nga, cho rằng: “Một trong những cách hiệu quả để quảng bá các đối tượng di sản văn hóa và thiên nhiên của các quốc gia trên thế giới là các dự án hợp tác cùng tham gia. Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp các trung tâm và câu lạc bộ UNESCO của Ural-Siberia đã triển khai dự án bộ sách ‘Kho báu quốc gia của Việt Nam’. Cuốn sách đầu tiên giới thiệu cố đô Việt Nam - thành phố Huế và Thành cổ nổi tiếng của triều đại cuối cùng của các hoàng đế nhà Nguyễn - đối tượng đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo vệ. Cuốn sách được viết bởi hai tác giả từ các quốc gia khác nhau. Nếu khái quát vai trò của từng người, tác giả người Việt Nam đảm bảo độ tin cậy và tính đầy đủ của thông tin, cung cấp các đặc điểm quốc gia trong từng sự kiện, địa điểm, hành vi, còn tác giả người Nga xác định góc độ và bố cục trong việc trình bày tư liệu và hình ảnh khi nhìn vào truyền thống Việt Nam từ quan điểm của người châu Âu.
Khi mỗi người, cộng đồng xã hội, nhà nước hiểu được tính độc đáo, ý nghĩa và đặc điểm không thể thay thế của từng đối tượng, các vấn đề bảo vệ, bảo tồn và quảng bá di sản sẽ được quyết định ở một cấp độ hoàn toàn khác. Ngày nay, có 1.121 di sản trong Danh sách Di sản Thế giới. Tôi cho rằng, ở mỗi quốc gia nên có một cuốn sách bằng ngôn ngữ bản địa và một ngôn ngữ khác, để kể về từng đối tượng một, như là một phần di sản thế giới của toàn thể nhân loại”.