Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam: Giá trị tinh thần của mỗi quốc gia là bảo vệ và phát huy di sản

(Ngày Nay) - Ngày 5 và 6 tháng 12 năm 2019, tại Ninh Bình đã diễn ra Hội thảo quốc tế về “Vai trò của Ủy ban quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững” do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. 
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Với tư cách là người đại diện cho các tổ chức UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng đã trình bày tham luận chia sẻ với hội nghị về kinh nghiệm trong việc phát huy vai trò của các tổ chức UNESCO phi chính phủ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác khăng khít giữa Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Giá trị tinh thần của mỗi quốc gia không phụ thuộc vào số lượng quốc gia đó có bao nhiêu di sản được đưa vào Công ước quốc tế về Di sản Văn hóa và Thiên nhiên mà nằm ở chỗ các di sản đó được quốc gia đó bảo vệ và phát huy như thế nào cho các mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội. 

Di sản mang tầm nhân loại đó không chỉ là niềm tự hào để dựa vào đó chúng ta ngẩng mặt với thế giới, càng không phải là một loại thương hiệu để tìm kiếm thặng dư. 

Tự nguyện đưa di sản quốc gia lên tầm toàn nhân loại - đó là một công việc thiêng liêng phải trả giá liên tục, lâu dài bằng danh dự cho những cam kết quốc tế, bằng tinh thần trách nhiệm, bằng lòng kiên nhẫn và bằng nhiều tiền của của quốc gia để bảo vệ các tài sản quốc gia mà giờ đây chúng ta đã hiến dâng cho lợi ích toàn nhân loại.

Ngày Nay trân trọng giới thiệu những nội dung chính tham luận của Ông Nguyễn Xuân Thắng tại Hội nghị quốc tế: 

Kính thưa Quý vị,

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 1993, có chức năng và nhiệm vụ làm cánh tay nối dài công tác UNESCO của Nhà nước trong nhân dân, tập hợp trí thức, nhân dân tham gia các chương trình, các hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền của UNESCO nhằm đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao dân trí, đóng góp vào công tác đối ngoại nhân dân và ngoại giao văn hoá, tăng cường tình hữu nghị với bạn bè quốc tế, góp phần củng cố hoà bình và an ninh trên thế giới. Liên hiệp quản lý một mạng lưới gần 120 tổ chức thành viên là các Hội UNESCO, các Trung tâm UNESCO và các Câu lạc bộ UNESCO, với hơn 12 nghìn hội viên chính thức và trên 100 nghìn hội viên tham gia khắp cả nước. Năm 2019 Liên hiệp vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất và đây là Huân chương Lao động lần thứ Năm trong 25 năm qua cho thành tích xuất sắc của tổ chức của chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam: Giá trị tinh thần của mỗi quốc gia là bảo vệ và phát huy di sản ảnh 1

Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO VIệt Nam Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tham luận tại hội thảo 

Hoạt động của Liên hiệp phát triển cân đối và hài hòa trên cả 4 lĩnh vực Văn hóa – Khoa học – Giáo dục – Thông tin và Truyền thông. Trong đó nổi bật phải kể đến các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và phân loại các di sản vật thể và phi vật thể do Liên hiệp triển khai đã đóng góp thiết thực vào các hoạt động bảo tồn di sản quốc gia. Liên hiệp luôn coi đây là một trong nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên cao nhất của tổ chức. Tập tài liệu tập hợp từ hàng trăm bài báo và các công trình nghiên cứu về Quan họ cổ và đúc kết từ phong trào “Quan họ làng” do Liên hiệp tổ chức từ cách đây 20 năm đã đóng góp không nhỏ làm nội dung, cứ liệu cho các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng lại hồ sơ lần thứ hai để đệ trình UNESCO công nhận Quan họ là Di sản văn hoá thế giới. Liên hiệp cũng vận động nhân dân đóng góp xây dựng lại, trùng tu và làm thủ tục xếp hạng hàng chục công trình lịch sử văn hoá, điển hình là vận động xây dựng lại hoàn toàn Chùa Vân Tiêu tại Trúc Lâm – Yên Tử từ đổ nát, thông qua đó tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần nhân văn và ý thức bảo vệ các giá trị văn hoá dân tộc cho nhân dân tại nhiều địa phương.

Tạp chí Ngày Nay – cơ quan ngôn luận của Liên hiệp, là tờ tuần báo miễn phí duy nhất ở Việt Nam in 20 nghìn bản mỗi tuần, tức trên dưới 1triệu bản/năm được phát miễn phí cho cộng đồng cùng với Báo điện tử Ngày Nay đã không ngừng bám sát các chương trình, mục tiêu công tác UNESCO của Nhà nước, thiết thực góp phần một cách có hiệu quả vào việc tuyên truyền cho các mục tiêu công tác UNESCO, cung cấp thông tin lành mạnh, chính thống để góp phần nâng cao hiểu biết của quần chúng về UNESCO, định hướng cho đại chúng nhận thức đúng đắn liên quan đến phát triển tri thức và văn hóa, về ý nghĩa của sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa nói chung, trong đó có sự nghiệp gìn giữ và bảo tồn bản sắc và di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thưa các Quý vị,

Nhằm hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam về công tác bảo tồn di sản, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam giao cho Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hoá và Thể thao là đơn vị thành viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đứng ra tổ chức thường niên Chương trình “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần 1 và lần 2” lần lượt vào tháng 11 năm 2018 và 2019 nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Lễ hội là hoạt động được ngành văn hóa Thủ đô coi là hoạt động chính thức và thường niên tại Thủ đô nhằm tôn vinh giá trị các di sản dân tộc, giới thiệu với đại chúng vốn di sản văn hóa phi vật thể như Hát Then, Hát Văn,  Hát Bài Chòi, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hát Chèo, Hát Ví Dặm, Hát Ca Trù, Hát Hát Xẩm, Trống Hội… qua đó góp phần khuyến khích nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn và bảo tồn giá trị các di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Để khuyến khích hội viên tham gia đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ năm 2004 đến nay Liên hiệp thường xuyên tổ chức cho hội viên tham gia giao lưu và biểu diễn tại các Lễ hội văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Hàn Quốc, CHLB Nga, Trung Quốc, Australia, Italy... Với sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng về chất lượng và công tác tổ chức các đoàn nghệ thuật của Liên hiệp đi đến nước nào cũng được ban tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, đoạt giải nhất trong 70 đoàn nghệ thuật từ 35 nước tại Festival Keangnum, Hàn Quốc, được bạn đánh giá là đoàn có chương trình nghệ thuật hay nhất, là tâm điểm của Festival ca múa nhạc Dân gian tại Italy tháng 7/2019.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 33 của Liên hiệp UNESCO Thế giới tại Italy, Ngài Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Thế giới và Hội đồng chấp hành đã khuyến khích Việt Nam, một trong những quốc gia có phong trào UNESCO phi chính phủ có nhiều hoạt động nổi bật nên đóng vai trò là quốc gia tiên phong truyền bá tư tưởng Đạo đức toàn cầu do Liên hiệp UNESCO Thế giới phát động đến sâu rộng các tầng lớp quần chúng nhân dân vì mục đích phát triển bền vững. Nhận thức sâu sắc tính cấp bách của luận điểm Đạo đức Toàn cầu – chìa khóa quan trọng để xây dựng thái độ đúng đắn và nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chiến lược Phát triển bền vững, từ 2014 đến nay, hàng năm Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam liên tiếp nhận nhiệm vụ đăng cai tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế với các chủ đề xoay quanh diễn đàn “Đạo đức toàn cầu” nhằm hưởng ứng chiến lược Phát triển bền vững do Liên Hợp quốc và UNESCO đề xướng, trong đó hơn một nửa các hội thảo quốc tế dành cho chủ đề di sản văn hóa như một nền tảng của đạo đức và phát triển.

Trong khuôn khổ của diễn đàn “Đạo đức toàn cầu”, hưởng ứng những mục tiêu ưu tiên của UNESCO trong những năm tới về công tác bảo tồn di sản, năm 2017 Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm của ngành du lịch đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên”. Hội nghị được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá là bổ ích và có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển đặt ra các thách thức thực tế tác động tiêu cực và có xu hướng khai thác cạn kiệt các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên ở nhiều quốc gia để phục vụ cho lợi ích kinh tế trước mắt. Hội nghị đã thảo luận, đưa ra những giải pháp nhằm động viên khuyến khích và tạo điều kiện để các đơn vị hoạt động về du lịch và lữ hành tham gia vào các hoạt động đóng góp bằng ý thức tự nguyện vào sự nghiệp bảo tồn di sản, làm cho họ phải ý thức được rằng họ chính là chủ nhân thật sự của nguồn tài nguyên văn hóa quốc gia để từ đó có ý thức và trách nhiệm đầu tư, bảo vệ và vun đắp cho các nguồn tài nguyên văn hóa vô giá của quốc gia. 

Với thành công của Hội nghị quốc tế năm 2017 và để thiết thực thực hiện nhiệm vụ ngoại giao văn hóa và đối ngoại nhân dân, Liên hiệp đã ký kết với Liên hiệp UNESCO Cộng hòa Liên bang Nga một chương trình hợp tác xuất bản bộ sách ảnh khổ lớn mang tên “Kho báu quốc gia Việt Nam” nhằm giới thiệu các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè năm châu. Đây không đơn thuần chỉ là những bộ sách ảnh về phong cảnh mà mà là một hành trình theo thời gian để nhìn và cảm nhận được các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, trong đó gồm văn hóa sinh thái, văn hóa mặc, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán bản địa, sinh hoạt tín ngưỡng... của người dân Việt Nam tại các vùng miền địa lý khác nhau. Dự kiến mỗi đầu sách hàng năm được in không dưới 3000 cuốn bằng 3 thứ tiếng Việt – Nga – Anh và dày khoảng 150 trang với những bức ảnh màu có giá trị nghệ thuật cao do các nghệ sĩ nhiếp ảnh Nga và Việt Nam thực hiện.

Khởi động Dự án “Kho báu quốc gia Việt Nam”, năm 2018 Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã phối hợp với các nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu của Liên hiệp UNESCO CHLB Nga cho ra đời cuốn sách ảnh khổ lớn đầu tiên mang tên “Cố đô Huế - Lịch sử và Văn hóa”. Cuốn sách được in xong vào tháng vào quý I/2019, đã được gửi tặng đến các tổ chức liên quan trong mạng lưới UNESCO Thế giới, phân phát rộng rãi cho bạn đọc tại Nga và được gửi tặng đến các cơ quan, tổ chức liên quan, các thư viện, bảo tàng, và nhiều trường đại học tại Việt Nam. Tiếp theo sự thành công của cuốn sách này, dự kiến trong năm 2020, nếu thuận lợi Dự án “Kho báu quốc gia Việt Nam” sẽ tiến hành biên tập nội dung và chụp ảnh cho Bộ sách ảnh khổ lớn về Cố đô Hoa Lư và Di sản thế giới Tràng An. Năm 2021 dự kiến sẽ xuất bản cuốn sách ảnh giới thiệu Di sản thế giới Hội An và Thành cổ Mỹ Sơn.

Để tiếp tục đóng góp vào công tác bảo tồn di sản, giữa tháng 1/2020 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam dự kiến tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ năm trong khuôn khổ Giáo dục Đạo đức toàn cầu với chủ đề “Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên được tổ chức UNESCO công nhận”. Hội nghị quốc tế lần này được tổ chức nhằm góp phần xây dựng một bức tranh tổng thể, toàn diện về giá trị của các Di sản văn hóa, nhân đó góp phần giúp các tầng lớp công dân Việt Nam hiểu đúng giá trị và ý nghĩa của Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên mà nhiều người hiện nay đang còn hiểu phiến diện hoặc ngộ nhận. 

Với kinh nghiệm và những điều tai nghe mắt thấy của một người 40 năm liên tục hoạt động UNESCO (Chính phủ và Phi phi chính phủ ở Việt Nam và quốc tế), tôi và các cộng sự của chúng tôi cùng nhận thức rằng giá trị nhân văn cao quý của các công trình nghiên cứu, các công ước quốc tế, trong đó nổi bật là Công ước quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên cùng  các chương trình hành động liên quan đến nền văn hóa nhân loại nói chung do UNESCO chủ trì thực hiện chính là nằm trong ý nghĩa giáo dục các giá trị nhân văn, nhân bản, nhân đạo, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu đồng loại và đặc biệt là giáo dục ý thức trách nhiệm của con người đối với quá khứ để hướng đến tương lai tốt đẹp.

Trong nỗ lực chung, bên cạnh việc chúng ta đã tôn vinh nâng tầm được các giá trị quốc gia của các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của dân tộc thành các giá trị mang tính toàn nhân loại thông qua Công ước Di sản, chúng ta cũng đã cố gắng hết sức để đưa những nền dân ca, lễ hội của các vùng miền vào danh mục của Công ước di sản của UNESCO. Nhưng sau khi Môi trường văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận di sản phi vật thể toàn nhân loại thì lập tức hàng ngàn chiếc cồng chiên cổ đã ra đi khỏi Tây Nguyên, các anh chị Sở VH mấy tỉnh Tây Nguyên ra gặp chúng tôi nhiều lần đề nghi góp phần cứu môi trường sinh hoạt cồng chiêng (mà thực chất là sinh hoạt văn hóa tinh thần – tâm linh truyền thống của bà con Tây nguyên) để không bị biến thành các chương tình văn công phục vụ khách du lịch.

Chúng tôi về một tỉnh miền Trung dự một hoạt động văn hóa lớn, các nghệ sĩ đã dàn dựng các ca khúc hát dặm cổ xưa thành các hoạt cảnh, đệm đàn organ điện từ âm lượng to hết cỡ và thay vì nói tiếng Nghệ - Tĩnh họ lại nói giọng Bắc theo kiểu nói của Chèo và Quan họ để tôn vinh Hát dặm. Khi được hỏi, anh chị em nghệ sĩ nói không biết gì về tiêu chí bảo tồn của UNESCO ngoài niềm vinh dự lớn lao. Đa số chỉ bày tỏ niềm tự hào và bày tỏ quan điểm là “nhờ có UNESCO mà Hát dặm sẽ có cơ hội đi vào lòng bạn bè quốc tế và ngành du lịch Nghệ - Tĩnh sẽ phát triển”.

Tương tự một số làn điệu âm nhạc lễ nghi và dân ca sau khi được UNESCO công nhận  di sản phi vật thể nhân loại đã được đưa ngay vào các nơi dịch vụ để thu hút khách hàng, hăng hái hơn họ đã tổ chức dàn đại hợp xướng vài nghìn người được dàn nhạc cụ hiện đại đệm để thể hiện lòng tự hào về làn điệu dân ca mà vốn dĩ xưa nay vốn được coi là tinh tế bậc nhất và chủ yếu là hát capella.

Có địa phương sau khi làn điệu quê hương được UNESCO tôn vinh di sản thế giới, chính quyền địa phương đã dùng chỉ thị hành chính yêu cầu các cơ quan, trường học, kể cả các cháu mẫu giáo phải học thuộc các làn điệu này với những hình thái sinh hoạt mà chúng tôi cho là lợi bất cập hại cho các giá trị văn hóa cổ truyền.

Vì thiếu được tuyên truyền đúng đắn, nhiều người dân, thậm chí cả những người đang công tác trên lĩnh vực văn hóa chưa hiểu đúng ý nghĩa bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể. Không ít nghệ nhân có phát minh sáng chế về kỹ nghệ, về y học cổ truyền, về canh nông, về làng nghề... thay vì đăng ký bản quyền hoặc xin bằng sáng chế, họ liên tục tìm chúng tôi để được hướng dẫn sao cho các phát minh của họ, của gia đình họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Trong chúng ta còn nhiều người hiểu ngành du lịch là văn hóa, còn nhầm lẫn giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch, chưa hiểu rõ du lịch chính là một ngành kinh tế, dù có gọi đó là nền công nghiệp không ống khói thì bản chất du lịch vẫn là tìm kiếm thặng dư bằng khai thác tối đa nguồn tài nguyên tinh thần và vật chất quốc gia, trong khi đó văn hóa luôn luôn và không ngừng là lĩnh vực cần đến sự đầu tư, chăm sóc tỷ mỉ. Còn một khi các giá trị tinh thần vật chất đó được nâng thành di sản văn hóa thì sẽ trở nên càng mong manh trước sự phát triển luôn tăng tốc của ngành du lịch, trước móng vuốt của đồng tiền. Cho nên những năm qua không ít di sản thiên nhiên – vốn dĩ lẽ ra phải luôn luôn được coi là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân – là những đầu tư vô giá bởi ngàn năm, triệu năm của Trời – Đất, bởi máu xương tổ tiên, cha ông gây dựng và bảo vệ – những thứ mà chúng ta còn gọi là Non sông Gấm vóc của dân tộc – thì hôm nay về cơ bản chỉ đơn giản bằng một con đường bê tông, một đường cáp treo là các công ty du lịch có ngay được nguồn thặng dư vô hạn để bỏ túi.

Thế nào là gọi là “di sản phi vật thể có nguy cơ biến mất” và vấn đề cần bảo tồn theo chiều hướng tích cực các giá trị làng nghề truyển thống nên được quan tâm và cần được làm rõ. Tôi là một người yêu tranh Đông Hồ, tự hào về dòng tranh Đông Hồ. Gần đây truyền thông liên tục đưa tin về việc Nhà nước chuẩn bị hồ sơ để đệ trình tranh Đông Hồ với UNESCO. Hầu hết tất cả các nguồn tin đều đưa ra một số lỹ lẽ: - Tranh Đông Hồ có giá trị văn hóa cao và đang đứng trước nguy cơ thất truyền; - Cần đệ trình UNESCO sớm để cứu nghề tranh Đông Hồ, tranh Đông Hồ sẽ được UNESCO giúp đỡ và hồi sinh... Tôi rất ngạc nhiên về các luận điểm trên truyền thông và tự hỏi tại sao ngành văn hóa các cấp, chính quyền địa phương, thậm chí Nhà nước Việt Nam không tự cứu lấy tranh Đông Hồ mà phải chờ để UNESCO thay chúng ta làm điều này? Tôi không tin rằng chỉ nhờ vào danh hiệu Di sản thế giới thì sẽ cứu được nghề tranh này, cũng không tin rằng có được cái mà có người thậm chí còn gọi là “thương hiệu” UNESCO thì người dân đang sống trong thế kỷ 21 sẽ mua nhiều tranh Đông Hồ hơn để trang trí ở nhà vào dịp Tết như nước nhà 1-2 thế kỷ trước đây. Tôi thiết nghĩ rằng đứng trước nguy cơ thất truyền, ngành văn hóa và các cơ quan có trách nhiệm trước hết cần đưa ra các giải pháp chuyên môn, mà trước hết là cần hướng dẫn các nghệ nhân Đông Hồ phải biết cách tự bảo tàng hóa nghề tranh của mình, tức phải ghi chép, ghi hình, viết sách và truyền dạy có định hướng, thậm chí biến làng tranh thành một điểm hội tụ du lịch, đưa lĩnh vực mỹ thuật dân gian này vào các trường mỹ thuật. Đó trước hết phải là việc mà Nhà nước và nhân dân cùng làm trước khi chúng ta cầu cứu UNESCO bằng việc làm ngược đời là tôn vinh Tránh Đông hồ là Di sản phi vật thể tầm thế giới. Bởi cần đề phòng rằng có sự đánh tráo bằng một nguy cơ để dành lấy một niềm tự hào và thành tích.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam: Giá trị tinh thần của mỗi quốc gia là bảo vệ và phát huy di sản ảnh 2

Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng, giá trị tinh thần của mỗi quốc gia nằm ở chỗ bảo vệ và phát huy các di sản như thế nào 

Trong khi đó nhiều ngành nghề độc đáo của cha ông để lại vẫn đang không ngừng được bảo tồn và phát triển, góp phần tạo nên những sản phẩm ngoài mong đợi, được xã hội trong nước và quốc tế đón nhận, góp phần không nhỏ tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp thậm chí hàng trăm tỷ tiền thuế cho nền kinh tế quốc dân thì lại chưa thấy nhận được sự quan tâm để tôn vinh là di sản phi vật thể. Đó là làng gốm Bát Tràng, làng nghề đồng Đại Bái, làng chạm khắc gỗ Đồng Kỵ, Sơn Đồng, nghề nước mắm của người Việt Nam đang trở thành bộ phận thiết yếu của đời sống trong một bộ phận không nhỏ dân cư thế giới ... Đã đến lúc cần ngồi lại để bàn bạc về bản chất của cụm từ “bảo tồn” và “phát triển” hơn bao giờ hết.

Cho đến hôm nay chúng tôi vẫn đang day dứt về câu chuyện liên quan đến chủ trương tôn vinh một lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng sau đây thành di sản văn hóa phi vật thể toàn nhân loại - mà nhiều nhà khoa học, nhiều nhà hoạt động xã hội của tổ chức chúng tôi vẫn còn bảo lưu ý kiến không đồng tình: Đó là việc đệ trình Đạo Mẫu và lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt Nam lên Công ước Di sản của UNESCO.

Chúng tôi cho rằng Đạo Mẫu của người Việt Nam trong quá khứ vốn rất đẹp, trong sáng và có giá trị động viên tinh thần người dân, đặc biệt là tâng lớp người dân nghèo đó trong quá khứ đen tối của thời phong kiến. Nét sinh hoạt văn hóa đó đẹp vì đó là một cuộc chơi bày tỏ ước mơ và khát vọng vô hạn trong điều kiện và hoàn cảnh có giới hạn của con người và chỉ đẹp khi Đạo Mẫu được đặt đúng vị trí là một tín ngưỡng dân gian của người Việt. Cũng bởi tấm lòng kính trọng Đạo Mẫu nên Liên hiệp các Hội UNESCO Việt nam đã không ngần ngại đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của ít nhất 400 công dân hoạt động trên lĩnh vực thực hành tín ngưỡng Đạo Mẫu dành cho UNESCO để họ trở thành hội viên của tổ chức chúng tôi.

Rất đáng tiếc chỉ 3 năm sau, vào năm 2012 chúng tôi buộc phải xóa tên hai trung tâm hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng và đưa hàng trăm hội viên vốn là những người hoạt động tự nhận “thanh đồng Liên Hợp quốc”, “thanh đồng UNESCO” để thực hành mê tín dị đoan. 

Trong bối cảnh thực tế sự thịnh vượng về vật chất của người dân thường đi đôi với nhu cầu hướng đến các giá trị tinh thần cao hơn, cùng với một thực trạng xã hội hôm nay một bộ phận dân chúng vẫn còn mất phương hướng trong đời sống tâm linh, từ cách đây 4-5 năm tại nhiều diễn đàn và công luận chúng tôi đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ chủ trương đệ trình vấn đề Đạo Mẫu thành di sản phi vật thể của UNESCO vào giai đoạn hiện nay, bởi việc đó là lợi bất cập hại, sẽ thả phanh cho tệ nạn mê tín dị đoan trong nhân dân, khuyến khích lối sống cầu an hưởng lạc, xa rời tu dưỡng trong một bộ phận không nhỏ trong nhân dân và cán bộ hiện nay.

Một bộ phận nhân dân cần được hướng dẫn để hiểu rõ và phân biệt được các khái niệm “Văn hóa”, “Văn hóa tâm linh” và “Sinh hoạt Tâm linh” mà thực chất không thể là một và chỉ được nối với nhau bằng một sợi chỉ nội hàm mong manh, chứ không như nhiều người đang cố gằng biến chúng thành một món ăn 3 trong 1.

Cũng từ đó chúng tôi bày tỏ sự ái ngại hiện nay về các khái niệm có liên quan đến UNESCO và Công ước di sản. Chúng tôi rất lo ngai trước tình trạng không chỉ trong nhân dân và cả trong nhiều cán bộ quản lý văn hóa và tôn giáo đều coi và nói rằng Đạo Mẫu đã được  UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể mang tầm giá trị toàn nhân loại. Trên thực tế dù tín ngưỡng và tôn giáo là hai lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết với nhiều hình thái và nội dung văn hóa nhưng tín ngưỡng và tôn giáo không phải là đối tượng và thẩm quyền thuộc UNESCO. UNESCO chỉ quan tâm và có trách nhiệm đối với khía cạnh văn hóa và triết học của tôn giáo và tín ngưỡng, nếu có.

Cũng bởi vậy nên UNESCO và Công ước si sản đã công nhận “Thực hành các nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là di sản văn hóa chứ không phải tín ngưỡng thờ Mẫu. Tức là UNESCO chỉ công nhận khía cạnh và hình thái mang nội dung sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam.

Hướng dẫn cho cộng đồng và dư luận hiểu đúng sự việc, sự vật là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, là để giúp mọi người thực hiện đúng những quy định của UNESCO và Công ước Di sản, bảo vệ được những giá trị nhân văn, tiến bộ mà cộng đồng quốc tế theo đuổi. Các cán bộ làm công tác tuyên truyền và văn hóa càng nên hiểu đúng ranh giới và nội hàm các khái niệm thì mới giúp nhân dân nhận thức đúng và hành động đúng, mới hạn chế được lòng tham và thói cầu danh, cầu tài, cầu lộc mà thực chất là sống ảo, lười biếng, cầu an hưởng lợi, mới hạn chế được tệ nạn mua thần bán thánh, tệ nạn lãng phí vô độ tiền của trong nhân dân và cán bộ được kích hoạt bằng lòng tham và những nỗi sợ hãi vô hình trong đời sống đương đại.

Cần thông tin cho nhân dân, kể cả các tầng lớp quản lý ở nhiều lĩnh vực hoạt động và chính quyền các địa phương hiểu rằng giá trị tinh thần đích thực của mỗi quốc gia không phụ thuộc vào số lượng quốc gia đó có bao nhiêu di sản được đưa vào Công ước quốc tế về Di sản Văn hóa và Thiên nhiên mà nằm ở chỗ các di sản đó được quốc gia đó gìn giữ và phát huy như thế nào cho các mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội. 

Di sản mang tầm nhân loại đó không chỉ là niềm tự hào để dựa vào đó chúng ta ngẩng mặt với thế giới, càng không phải là một loại thương hiệu để tìm kiếm thặng dư. Tự nguyện đưa di sản quốc gia lên tầm toàn nhân loại - đó là một công việc thiêng liêng phải trả giá liên tục, lâu dài bằng danh dự cho những cam kết quốc tế, bằng tinh thần trách nhiệm, bằng lòng kiên nhẫn và bằng nhiều tiền của của quốc gia để bảo vệ các tài sản quốc gia mà giờ đây chúng ta đã hiến dâng cho lợi ích toàn nhân loại.

Là những người hoạt động trên lĩnh vực hợp tác quốc tế về văn hóa và tri thức, bổn phận của chúng ta là tuyên truyền và giải thích để giúp nhân dân hướng đến những giá trị nhân văn đích thực, vượt lên trên những mưu cầu lợi ích cục bộ, vượt lên trên chủ nghĩa thành tích, kể cả vượt lên trên cảm hứng tâm linh của cá nhận để cùng nhau góp phần hướng đến những mực tiêu nhân văn cao thượng và những giá trị đích thực của đời sống.

Một triết gia đương đại từng nói: Văn hóa là thứ tốn kém nhất bởi nó cần đến tấm lòng rộng lớn như đại dương. Tấm lòng bao la ấy chúng ta cần hiến tặng cho nhân dân, cho dân tộc và cho UNESCO.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.