Ba thách thức lớn
Một là, sự thay đổi của mô hình quản lý trong lĩnh vực truyền thông, bao gồm cả quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí. Khác so với giai đoạn trước đây báo chí và các cơ quan tuyên truyền là dòng chảy lớn nhất chi phối hệ thống thông tin trên toàn xã hội.
Xã hội thông tin Việt Nam có 3 dòng chảy thông tin lớn nhất bao gồm: Các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống tuyên truyền các cấp; Truyền thông chuyên nghiệp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; và truyền thông xã hội - diễn ra trên nền tảng số và mạng xã hội.
Hai là, thách thức trong cạnh tranh giữa báo chí và các phương tiện truyền thông mới. Với đặc thù nhanh - cập nhật - đa dạng - phong phú, các phương tiện truyền thông mới đặc biệt là mạng xã hội và truyền thông xã hội đã làm cán cân của các phương tiện truyền thông thay đổi nhanh chóng.
Hiện nay, ở nước ta, mạng xã hội và truyền thông xã hội đang dần lấn lướt các hoạt động báo chí - truyền thông truyền thống. Song song với các lợi ích của các phương tiện truyền thông mới, các vấn nạn như tin giả, tin đồn, tin thất thiệt ngày càng gia tăng. Điều này ra thách thức với cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí truyền thông cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo quản lý.
Ba là, thách thức về phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn liền với sự phát triển và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đang là những thách thức lớn nhất cho truyền thông.
Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng truyền thông xã hội đang dần nắm quyền kiểm soát và điều khiển người dùng theo xu hướng do chính họ tạo ra.
Thêm vào đó, truyền thông doanh nghiệp, hoạt động PR thiếu chuẩn mực tác động mạnh mẽ tới các cơ quan báo chí, truyền thông. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí thiếu bản lĩnh, thiếu năng lực dễ dẫn đến hiện tượng làm tăng lượng thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đến dự và phát biểu trong buổi khai giảng lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” ngày 13/11/2018. Ảnh: TL |
Đổi mới đồng bộ và toàn diện
Thứ nhất, đổi mới mục tiêu và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo có hệ thống, theo quy hoạch đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí trên cả nước. Phối hợp đào tạo theo bậc học (đào tạo Thạc sĩ ngành Báo chí học/ chuyên ngành Quản lý báo chí - truyền thông) và bồi dưỡng theo hướng thường xuyên và hướng chuyên sâu. Đối tượng đào tạo ưu tiên là các nhà báo trẻ, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn báo chí truyền thông vững, có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ tốt, có ít nhất một ngoại ngữ.
Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng là đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí truyền thông Việt Nam có phẩm chất chính trị vững vàng, có lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức tốt, được trang bị lý luận báo chí, am tường và có khả năng vận dụng lý luận báo chí cách mạng và khoa học báo chí - truyền thông, các xu thế báo chí - truyền thông hiện đại trong lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí và cơ sở truyền thông phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí thiếu bản lĩnh, thiếu năng lực dễ dẫn đến hiện tượng làm tăng lượng thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng. Ảnh minh họa |
Thứ hai, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Cần rà soát, phân khúc rõ ràng hơn; nghiên cứu và đổi mới nội dung đào tạo, chương trình đào tạo theo phương châm: bám sát và cụ thể hóa hơn nữa dựa trên thang đo chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực nghề nghiệp và phẩm chất, năng lực của nhà lãnh đạo quản lý báo chí truyền thông đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội thông tin cũng như nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó cho hệ thống báo chí truyền thông Việt Nam cũng như từng cơ quan báo chí truyền thông hiện nay.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cân đối lý luận và thực tiễn, tránh nặng rao giảng lý thuyết cũ, mòn hoặc chỉ nặng về chuyên môn nghiệp vụ báo chí thuần túy, trong đó các yếu tố cốt lõi bao gồm: phẩm chất chính trị - phẩm chất nghề nghiệp; chuyên môn - nghiệp vụ; kỹ thuật - công nghệ; năng lực lãnh đạo quản lý trên nền tảng khoa học báo chí - truyền thông.
Thứ ba, chuẩn hóa chương trình, chú trọng quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý báo chí truyền thông. Các chương trình đào tạo cấp bằng Thạc sĩ của Bộ GD&ĐT và các khóa đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ theo chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông, với hệ thống giáo trình, tài liệu tương ứng, đội ngũ giảng viên, chuyên gia tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí - truyền thông đều cần được chuẩn hóa càng sớm càng tốt.
Cần có cơ chế quản lý, giám sát thích hợp với các chương trình đào tạo liên kết có nội dung và đối tượng liên quan, đặc biệt là các khóa đào tạo liên kết quốc tế hoặc liên kết với doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, kịp thời xử lý những cơ quan, tổ chức lợi dụng “đào tạo nghiệp vụ báo chí truyền thông” để thông tin sai lệch, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dụng nhân như dụng mộc. Ảnh: TL |
Thứ tư, về mô hình đào tạo, bồi dưỡng. Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý báo chí - truyền thông cho hệ thống chính trị, Viện Báo chí (thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập theo Quyết định số 6591 ngày 1/11/2018 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) là đơn vị thích hợp nhất trong nghiên cứu, đề xuất và thực thi mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí - truyền thông, trong đó đảm bảo 3 yếu tố cốt lõi: Đào tạo bằng Thạc sĩ quản lý báo chí - truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng chuẩn chức danh Quản lý báo chí truyền thông; đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và chuyên sâu cho các cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí - truyền thông đương nhiệm.
Trong giai đoạn hiện tại, cần tiếp tục duy trì và phát triển đào tạo thạc sĩ báo chí, chuyên ngành Quản lý báo chí truyền thông và Quản lý phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, coi đây là hai chuyên ngành đào tạo chính quy bậc thạc sĩ có vai trò nòng cốt.
Tiếp đó là chiến lược phát triển đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho cán bộ lãnh đạo, lãnh đạo quản lý đương nhiệm nhằm cập nhật kiến thức chính trị, văn hóa, an toàn và an ninh truyền thông, xu hướng phát triển báo chí truyền thông hiện đại.
Ngoài ra, cần sớm xây dựng và phê duyệt đề án đào tạo chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý báo chí truyền thông trong toàn hệ thống. Như vậy, mới đảm bảo những yêu cầu cốt lõi đối với nguồn nhân lực quan trọng này trong bối cảnh hiện nay./.