“Đất đỏ” héo hắt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đường đi đầy đất đỏ, cây lá thiếu mưa héo úa, suối sông lác đác vài vũng nước cuối cùng đọng lại, mấy cánh đồng lúa vụ Đông Xuân vừa gặt trơ lại những đám rạ khô, đường về Bà Rịa Vũng Tàu mùa này nắng nôi nóng nực, xóm làng xác xơ.
“Đất đỏ” héo hắt ảnh 1

Nhiều tháng không mưa, hồ Sông Hoả hiện đã xuống dưới mực nước chết.

Buổi chiều ở lòng hồ sắp cạn

Từ trước Tết đến nay, khu vực huyện Xuyên Mộc không có lấy một giọt mưa, sông suối ao hồ gần như cạn đáy. Khoảng cách tính từ bờ tới mép nước hồ Sông Hoả hiện đã kéo dài cả trăm mét vào giữa. Nhiều người chạy xe máy ra bãi cát, cắm dù, đặt ghế, buông cần, số khác ngồi dọc những kè đá thưởng thức mấy cái phao đang thay phiên nhau đớp nhả. Vài chiếc xuồng máy nhỏ đậu ở bãi bùn non, cạnh bên là tấm lưới chưa được xếp gọn. Ai đó mang hàng trăm gốc mì đặt chụm đầu vào nhau cậy nhờ vũng nước.

Năm sáu người độ trung niên, cả nam lẫn nữ, che kín mặt mũi, nón lá nón vành lội ra vùng nước sâu quá gối, quỳ mọp xuống mò hến bắt trai. Mấy con hến nhỏ như cái muỗng cà phê, kích thước trai trong hồ to hơn một chút được đựng trong thau hay thùng nhựa khoét lỗ, gió thổi sóng đánh phập phồng. Tiếng cười nói rôm rã “quê choa” phát ra đặc sệt báo hiệu một buổi chiều sương sương đầy khoan khoái.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 2

Người dân lội xuống hồ mò hết, bắt trai.

Trời vắng mưa, hồ dần cạn nước, đất đai cằn lên nứt nẻ, đám cỏ non vội vã đâm chòi. Đàn bò hai mươi mấy con ung dung gặm cỏ. Tiếng leng keng vang lên từ cái lục lạc đang đeo trên cổ một vài “thanh niên” chuyên bỏ bầy chạy vào vườn cây ăn trái của nông dân làm người trông coi nhiều phen vỗ trán, nháo nhào tìm kiếm quẩn quanh.

Người đàn ông nhỏ thó chăm chú bắt ve cho con nghé. Nắng gió vùng đất đỏ làm cái tuổi tứ tuần càng thêm già dặn, nước da nhem nhẻm mặn mòi hằn lên những vệt khắc khổ của một phận người nổi trôi. Ánh mắt lãng tránh những hỏi thăm, môi mấp máy như muốn nói điều gì đó rồi lại ngoảnh mặt nhìn theo hướng đàn bò đang lang thang nơi mép nước.

Thoáng chốc rồi những giây phút ngại ngùng cũng qua đi, anh cầm một đoạn tre cột dây nhựa ở ngọn quơ qua quơ lại rồi ngồi bệt xuống mỏm đất nhô cao có mớ lục bình chết khô. Mùa nắng, cỏ cây héo úa, sông suối cạn kiệt, không đủ thức ăn nước uống nên cứ đều đặn tám giờ sáng mỗi ngày suốt mấy tháng qua anh lùa đàn bò vào tận hồ Sông Hoả chăn thả. Đầu đội nón, chân mang ủng, tay này cầm roi, tay kia mì gói, lưng mang bao, đi bộ. Anh đi bộ, đàn bò cũng đi bộ hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 3

Khô hạn, đất cằn lên nứt nẻ. Đàn bò hai mươi mấy con ung dung gặm cỏ.

Hai mươi năm trước, anh cùng mẹ dắt díu nhau lên xe khách từ miền biên giới phía Bắc vào Nam rồi xuôi về tá túc Xuyên Mộc, quãng đường non hai ngàn cây số. Thời thanh niên, ai kêu gì làm đó bất kể nắng mưa, anh nói vui là thợ đụng, tức đụng gì cũng làm. Ngày tháng trôi qua, người đàn ông quê Cao Bằng bén duyên rồi lấy vợ, sinh con, đến nay đang học lớp bảy còn chị nhà cũng làm mướn làm thuê, bù qua sớt lại, gói gém qua ngày.

Trước khi thất nghiệp, anh làm phụ hồ ở các công trình nhỏ tại địa phương nhưng mấy năm dịch bệnh chủ thầu cũng xất bất xang bang nên không ai thuê mướn sức lao động của anh nữa. Anh gọi công việc hiện tại là “làm bò”, lời nói có vẻ tự nhiên nhưng ánh mắt dường như phản bội lại điều đó. Người đàn ông khắc khổ lại khoảnh mặt đi, nhìn theo hai con nghé đang gặm cỏ, con nhỏ cỡ năm sáu triệu, con lớn cao hơn một chút - là tất cả của nả để dành sau hai năm làm mướn cho người ta với mức tiền công năm triệu đồng một tháng.

Cuộc sống không hề dễ dàng, đồng tiền tử tế luôn đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, với những người ở tầng lớp dưới thì đôi khi còn là nước mắt, là máu nữa. Anh cười rồi chỉ cách nấu mì gói với vẻ rất tự hào rằng trong cái khó ló cái khôn, cách nấu mà tôi cũng đã từng nhìn thấy ở đâu đó trên mạng xã hội nhưng chưa từng thử bao giờ.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 4
Khoảng cách từ bờ đến mép nước hiện tại kéo dài cả trăm mét.

Anh nhặt vỏ lon nước ngọt hoặc lon sữa, múc nước hồ Sông Hoả đổ vào rồi nhóm lửa. Xé gói mì, xé hai gói gia vị đổ chung vào nhau rồi chờ nước sôi thì chế vào gói là đủ một bữa no. Những lúc buồn, “mục đồng” lại trốn dưới gốc cây, lấy điện thoại cảm ứng xem từ Facebook sang TikTok. Anh bảo, thích xem người ta làm trò, nhất là mấy thanh niên miền Tây, xem đến độ không đủ pin mà dùng.

Trời dần chiều, gió mang hơi nước làm dịu bớt cái oi ả của những ngày tháng Tư. Anh mang bao lưng chừng phế liệu, nào sắt vụn, nào vỏ chai, chỉnh lại cái nón vành, quơ roi lùa đàn bò hai mươi mấy con lững thững rời hồ Sông Hoả. Anh ngoái đầu lại: “Giờ về, bốn giờ rưỡi là tới” rồi bước đi, mấy cái lục lạc leng keng trong gió. Ai cũng có tuổi có tên, bản thân anh cũng không là ngoại lệ nhưng nêu lên ở đây thì không tiện cho lắm!

Buổi chiều ở lòng hồ cạn nước với đủ khung cảnh sinh hoạt của một miền quê yên bình, từ đàn bò, con cá, cần câu đến mò trai bắt hến, có tươi vui thoải mái, có nỗi buồn mưu sinh. Vạn vật bù trù, mùa khô được với người này nhưng lại là mất mát với không biết bao nhiêu người khác.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 5

Cửa đập Sông Hoả những ngày này đóng kín để giữ nước cho khu vực thượng nguồn nhưng mặt khác con kênh dẫn phía hạ lưu phải cạn kiệt.

Lời qua tiếng lại vì nước tưới tiêu

Hồ Sông Hoả có diện tích 152ha nằm trên địa bàn hai xã Bông Trang và Hoà Hội là một trong bốn hồ lớn của huyện Xuyên Mộc, dung tích hơn 2,2 triệu mét khối chủ yếu tích nước vào mùa mưa và sử dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong xuyên suốt mùa khô. Vào năm 2020, thời tiết khắc nghiệt, lòng hồ gần như trơ đáy ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu. Rút kinh nghiệm, cửa đập Sông Hoả những ngày này đóng kín để giữ nước cho khu vực thượng nguồn nhưng mặt khác con kênh dẫn phía hạ lưu phải cạn kiệt, chỉ còn lại vài vũng nước đọng, đá đen nhô ra xen lẫn đám cỏ dại ven bờ, nhiều khu vực đất đai trở nên khô khốc.

Phía đập tràn khoảng ba tuần qua tiếng máy bơm tạch tạch suốt ngày đêm, khói đen toả ra ám mùi dầu không hề dễ chịu. Máy hút nước dẫn qua ống nhựa đổ vào con mương rồi tràn qua đập, theo mương nhỏ nội đồng len lõi về các vườn cây ăn trái trong vùng. Ông Toàn đang lom khom vét lá chuối ở cửa mương để dẫn nước vào ao dưới cái nóng ngoài trời lên đến 34-35 độ, một phần vẫn tiếp tục theo dòng chính chảy xuống phía hạ lưu cho những hộ dân khác.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 6

Ông Toàn vét lá chuối dẫn nước vào ao.

Bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp với chủ lực là nhãn và thanh long - hai loại cây trồng chịu hạn rất tốt nhưng không có nước thì muôn vàn nỗi lo theo đó mà ập đến. Mương rộng chừng nửa mét, kéo dài dọc ngang được chính quyền địa phương xây dựng bằng xi măng từ nhiều năm trước để dẫn nước từ hồ Sông Hoả về phục vụ tưới tiêu nhưng vào mùa khô phần lớn thời gian khô cạn, đến khi nước về cũng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ vừa ngập bàn chân nên nông dân trong vùng không tài nào có thể đặt ống bơm được, buộc lòng phải canh giờ rẽ nước dẫn vào ao, chờ lên lúp xúp mới mở ống phun nước tưới tắm cho cây cho trái.

Người đàn ông 54 tuổi dẫn tôi vào phần diện tích nhãn xuồng cạnh nhà, cúi người lấy tay đào đất để chứng minh tình hình khô hạn ngày càng tăng theo từng năm. Ông quay sang một gốc mai nhỏ, lại cúi người đào đào bới bới. Nhánh mai cao chừng sáu bảy tấc đang ra lá non mà theo lời ông thì đất đai cằn cỗi đến mức chỉ cần có chút xíu nước là trổ lá ngay.

Hôm đó là Chủ Nhật, theo lịch của xã thì tới lượt nhánh mương của ông nhận nước cả ngày nhưng mãi đến gần trưa nước mới thật sự về đều. Hai ngày Chủ Nhật trước đó cũng tương tự nhưng chừng ấy không đủ cứu vườn nhãn rộng đến 1,5ha nên ông đành tưới cho một phần ba diện tích. Cây mai nhỏ trồng gần, hưởng ké chút nước hiếm hoi mà nảy lộc.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 7

Ông Toàn đào đào, bới bới. Trước mặt là cây mai hưởng ké nước tưới mà nảy lộc.

Ông nói chuyện khá cởi mở nhưng ít khi cười, đi tới đi lui liền liền với những bước chân bồn chồn sốt ruột và giọng có phần gay gắt khi nhắc câu nói người ta hay ví von trên bàn nhậu “thượng điền tích thuỷ hạ điền khan” để chỉ việc trữ nước của những hộ dân sinh sống đầu nguồn làm người ở dưới khốn đốn theo.

“Mùa khô ai cũng cần nước, một ngày chỉ cần hai tiếng đồng hồ thôi là tôi đủ dùng nhưng nước có về được đâu. Mỗi nhà đều có một miệng mương lấy nước nhưng người ở trên chặn lại thì người ở dưới không có nước mà dùng, chính quyền xã cũng có tuyên truyền nhưng không ăn thua”, theo lời ông, cứ mỗi mùa khô tới là bà con lối xóm lời qua tiếng lại mất cả đoàn kết, chẳng còn tối lửa tắt đèn gì ráo, nếu ai cũng biết chia sẻ thì hạ nguồn không phải khó khăn nước tưới như bây giờ.

Người nông dân lại bước nhanh chân đưa tôi ra giữa vườn nơi có mấy đống đất vừa được hút lên. Hai phần ba vườn nhãn bốn năm tuổi còn lại suốt mùa khô nhiều tháng trời hoàn toàn không có nước tưới, cành lá úa vàng và bám đầy bụi bặm. Xót cảnh khô héo, ông bỏ ra cả trăm triệu đồng thuê máy về khoan giếng nhưng công cốc, khoan đến tận 300m mà chẳng thấy mày ngang mũi dọc của nước ở đâu?!

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 8

Giếng khoan 300m không có nước làm ông Toàn vô cùng lo lắng.

Câu chuyện thiếu nước mùa khô không chỉ của riêng ai mà bao trùm một vùng rộng lớn. Nhiều người nông dân khác từ làng trên đến xóm dưới, từ xã này qua xã kia cũng lâm cảnh tương tự, khoan đến hàng chục thậm chí hàng trăm mét nhưng nước ngầm cứ nhỏ như giọt cà phê, không thấm tháp vào đâu trong khi các vườn cây ăn trái đang ngày ngày khát nước làm ai nấy như ngồi trên đống lửa trước một viễn cảnh mất mùa.

Thành cũng nước mà bại cũng nước!

Rời hồ Sông Hoả, tôi men theo đường tỉnh lộ 329 về hướng hồ Suối Các cách đó chừng hai mươi cây số chim bay nhưng đi đường bộ thì xa hơn một đoạn. Đường nhựa qua xã Hoà Hội khá mới lại thông thoáng ít xe nên di chuyển thuận tiện, dễ dàng. Trên toàn tuyến phải qua bốn năm cây cầu khác nhau được đánh số theo thứ tự 1, 2, 3…. Cầu lớn bắt qua suối, cầu nhỏ vượt qua mương nhưng cả suối cả mương đều khô cạn đáy.

Ông Ba Thiện vốn ở miền Tây, lên vùng đất đỏ lập nghiệp đến nay áng chừng mười mấy con giáp. Biết chuyện quê hương đang thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn, hai vợ chồng ông không giấu được nỗi bất an. Những năm nay thời tiết cực đoan, hiện tượng El Nino ảnh hưởng khắp mọi miền, từ miền Tây lên Đông Nam bộ, từ Tây Nguyên lan xuống tận duyên hải miền Trung làm nông dân nhiều nơi điêu đứng.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 9

Trời không mưa, nhiều sông suối ao hồ cạn nước.

Vợ chồng ông đang làm cỏ, tưới nước cho đám ớt và dưa leo mới trồng. Thấy tôi ghé vào, ông gác lại công việc vội vàng bước ra đón. Ông lấy cái nón vành rách nát lau mấy giọt mồ hôi trên mặt rồi quay người đi thẳng một mạch vào bên kia hông nhà. Vợ chồng ông nuôi cả đàn chó lên đến năm bảy con. Cả bầy vẫy đuôi nhưng vẫn sủa inh ỏi khi thấy người lạ, một vài con gầm gừ tỏ vẻ doạ nạt khách phương xa.

Cái giếng đào bằng tay từ mười mấy năm trước với đường kính khoảng một mét, sâu chừng hai chục mét hiện giờ khô cạn chỉ còn một vũng xíu xiu. Với số lượng như vậy thì có thể xem như không có, bởi chẳng thể múc lên bằng gàu lại càng không thể bơm lên bằng máy. Miệng giếng không đậy nắp, từ trên nhìn xuống thấy rõ mồn một những khối đá lô nhô.

Đây chỉ là một trong ba giếng của nhà người đàn ông lục tuần, hai cái còn lại được khoan ở giữa vườn nhãn. Cái đầu tiên sát mép căn nhà cấp bốn nơi gia đình ông cư ngụ, sâu đến bốn mươi mét đã có nước nhưng lại nhiễm phèn rất nặng nên không thể dùng. Ông Ba đành lấp miệng lại, thuê máy móc đến khoan giếng thứ hai ở xa tít cuối vườn. Mỗi mũi khoan như vậy ở thời điểm sáu bảy năm trước có giá bốn trăm rưỡi, vị chi công cán đâu đó mười lăm mười sáu triệu đồng.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 10

Giếng đào bằng tay nhà ông Ba Thiện cạn nước nhiều tháng qua.

Giếng khoan chỉ có đường kính chừng một tấc hai nên mới có thể đạt độ sâu hàng chục, hàng trăm mét, chủ yếu lấy nước tưới cho cây còn giếng đào bằng tay rộng hơn thì đương nhiên sẽ cạn. Vườn nhãn của ông Ba rộng khoảng hai mẫu nhưng giếng khoan chỉ đủ dùng cho một phần, nước bơm lên chứa trong hồ được lót bạt để tưới dần dần. Theo ông, nhãn là loại cây phải tưới nước đều từ lúc ra hoa đến khi kết trái, nếu dừng giữa chừng thì coi như bỏ nên lượng nước ít ỏi phải chia khu vực để phun, hết khu này đến khu khác, bằng không chỉ có thiệt hại.

Mỗi mẫu nhãn có chi phí đầu tư khoảng một trăm, trăm hai triệu nhưng năng suất khác nhau tuỳ theo từng loại nhãn xuồng hay Idor, tính trung bình khoảng 15 tấn mỗi năm. Giá cả vô chừng là câu chuyện muôn thuở với người nông dân, được mùa mất giá thì mười hai mười lăm nghìn đồng một ký, được giá mất mùa thì tới ba bốn mươi nghìn. Như năm 2020 thiếu nước nghiêm trọng, mùa màng thất bát, ông phải bù lỗ, vay mượn thêm mà chuẩn bị cho mùa sau. “Nhà nông, thành cũng nước mà bại cũng nước”, với người nông dân chân lấm tay bùn thì nước tưới quyết định tất cả.

Mùa mưa ở Xuyên Mộc thường bắt đầu vào cuối tháng Tư nhưng sang giữa tháng Năm mới đều đặn. Từ đây đến đó sẽ là quãng thời gian vô cùng khó khăn với người nông dân. Sông hồ trơ đáy, đất đai khô cằn, nước nôi cạn kiệt, cây lá xác xơ, lòng người lại thêm phần héo hắt!

Theo UBND huyện Xuyên Mộc, toàn địa bàn có 4 hồ lớn là: hồ Xuyên Mộc, hồ Suối Các, hồ Sông Hoả và Đập Cầu Mới với dung tích 11,86 triệu mét khối. Dự kiến đến ngày 10/4/2024 trữ lượng nước sẽ giảm còn 2,32 triệu mét khối, trong đó, nước hồ Sông Hoả xuống thấp hơn mực nước chết.


Diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 là 1.312ha/1.300ha, trong đó diện tích lúa 793ha và cây trồng khác 519ha. Theo kế hoạch, thời gian tưới kết thúc vào ngày 10/4/2024. Theo huyện, tổng lượng nước nhìn chung đảm bảo đủ cấp nước trong mùa khô 2024.

“Đất đỏ” héo hắt ảnh 11

Mực nước hồ Suối Các cũng xuống thấp, lộ ra những bài đất đỏ nứt nẻ.


Tuy nhiên, đối với các hồ không được tiếp nước từ hồ Sông Ray (Sông Hoả, đập dâng Cầu Mới), Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thuỷ lợi dự kiến bơm sinh hoạt phục vụ cấp nước hồ Sông Hoả từ ngày 26/3, đập dâng Cầu Mới bơm điện từ Trạm Phước Bửu từ 7/2 nhằm đảm bảo nhu cầu.


Đối với cấp nước sinh hoạt, hồ Xuyên Mộc sẽ điều phối nước từ hồ Sông Ray về bổ sung cho nhà máy nước Xuyên Mộc, hồ Suối Các đảm bảo cung cấp đủ thiết kế. Riêng hồ Sông Hoả không có nguồn để bổ sung vì vậy sẽ bơm hết mực nước chết cho đến dự kiến ngày 30/6/2024 (tính đến ngày 26/3, hồ Sông Hoả còn 0,51 triệu mét khối, ngày 30/4 còn 0,26 triệu mét khối).


Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Dững - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết: “Huyện đã lên kế hoạch, lập lịch tưới cụ thể cho từng công trình và khu vực sản xuất nông nghiệp, thường xuyên kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối, tiến hành bơm nước phục vụ sản xuất khi các hồ chứa nước xuống thấp hơn mực nước chết…


Tổ chức nạo vét, phát quang hệ thống kênh tạo thông thoáng dòng chảy…. Tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có, không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát… Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh kiểm tra định kỳ đồng ruộng, kịp thời phát hiện báo cáo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để có biện pháp kịp thời…


Hướng dẫn người dân xuống giống theo lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước; dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; hướng dẫn biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong lĩnh vực thuỷ sản…


Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp nước có kế hoạch cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong mùa khô, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Tăng cường kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống công trình cấp nước tại các nhà máy, chuẩn bị đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục hư hỏng, đảm bảo vận hành liên tục. Đôn đốc, nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị cấp nước thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra”.

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.