Bến Tre mùa nhiễm mặn – Bài 2: Ngư dân kêu cứu vì phải neo tàu chờ đăng ký, đăng kiểm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nằm ở cửa sông Hàm Luông, đất đai nhiễm mặn nên người dân ở Thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri, Bến Tre) đa phần bám biển và ra Giêng hằng năm là mùa bội thu của bà con ngư dân. Nhưng trái ngược với cảnh chài lưới nườm nượp ra khơi, ăm ắp cá tôm quay về thì ghe tàu lại xếp hàng bất động dọc theo các con kênh, rạch.
Người dân ở Thị trấn Tiệm Tôm dừng hoạt động ghe tàu từ ngày 12/3/2024.
Người dân ở Thị trấn Tiệm Tôm dừng hoạt động ghe tàu từ ngày 12/3/2024.

Sống bám biển nhưng phải neo tàu

Khung cảnh kỳ lạ này xuất hiện từ giữa tháng 3/2024, khi UBND Thị trấn Tiệm Tôm yêu cầu ngư dân cam kết không được hoạt động cho đến khi đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo có đủ các văn bằng chứng chỉ điều khiển tàu cá theo quy định. Và đến nay, người dân phải neo tàu, đồng nghĩa đứt nguồn thu nhập hơn nửa tháng.

Ông Lê Quốc Thạch (SN 1968) hành nghề đánh bắt cá ngát (một loại cá nước lợ) từ năm 2002 trên chiếc ghe dài hơn 11m để nuôi cả gia đình năm sáu miệng ăn. Suốt mấy chục năm đội nắng phơi sương, ông trông già hơn cái tuổi ngũ tuần, nước da sạm đen, tóc lấm tấm bạc, đôi tay chai sần và trong kẽ móng vẫn còn dính nhiều bùn đất.

Theo ông Thạch, bà con xung quanh đa phần là ghe nhỏ nên đánh bắt gần bờ, sáng đi chiều về tuỳ theo con nước, có hôm đầy ắp có lúc lưới không. Những tháng sóng yên bể lặng, ghe hoạt động được chừng hai mươi ngày, nhưng khi “ổng thổi” (người dân địa phương ám chỉ trời nổi gió lớn) thì neo tàu đợi qua cơn, đi biển hai ba hôm cũng có. Vì thế nên thu nhập bà con bấp bênh vô chừng, có hôm trúng cá được năm bảy trăm, khi ít thì hai ba trăm một ngày.

“Nghề biển là vậy, tính theo ngày, được hôm nay biết hôm nay, ngày mai lại tính”, ông tâm sự và cho biết mấy năm qua sức khoẻ giảm sút nên đã giao lại ghe cho các con trai tiếp tục nối nghiệp. Thị trấn Tiệm Tôm nằm ngay cửa sông Hàm Luông giáp với đại dương, đất đai nguồn nước nhiễm mặn nên khó có thể trồng trọt hay làm nghề gì đó khác hơn bám biển, có ghe đi lưới, có người bắt ốc, trước kia còn có giã cào nhưng bây giờ loại này đã bị cấm nên ít khi thấy xuất hiện vào ban ngày.

Bến Tre mùa nhiễm mặn – Bài 2: Ngư dân kêu cứu vì phải neo tàu chờ đăng ký, đăng kiểm ảnh 1

Ghe tàu xếp hàng bất động dọc theo các con kênh, rạch.

Kể từ lúc ra riêng, con trai ông Thạch là Lê Nhật Trường (1991) được cha giao cho một ghe cá hơn 11m để làm kế sinh nhai. Nghỉ học sớm nên từ năm 14 tuổi Trường đã bắt đầu đi biển và đến nay vốn liếng đã ngót nghét 20 năm kinh nghiệm. Trường kể từ lúc ra Giêng đến khoảng tháng tư âm lịch là mùa ăn được, ghe đi đánh bắt đều đều, đến mùa mưa bão thì dừng. Sang tháng tám tháng chín có gió Nam thì ăn được thêm hai tháng. Từ tháng 10 tới Tết gió chướng biển động nên đi ghe khó khăn. Tính ra một năm nghề biển chỉ làm được chừng trên dưới sáu tháng, đắp đổi qua ngày mà sống.

Trường nhìn dạn dày sương gió hơn tuổi tác của mình. Trường và vợ có với nhau ba mặt con. Đứa lớn nhất đã đi làm và tay bồng tay bế, trai thứ lên đường nhập ngũ còn bé út năm nay lên 6 tuổi. Tất cả sinh hoạt trong gia đình, từ tiền ăn uống, điện nước đến mua sữa cho con đều trông chờ vào những chuyến đi biển vốn đã bữa đực bữa cái nay lại khó khăn thêm khi tàu ghe phải neo lại bờ để tiến hành đăng ký đăng kiểm, bổ sung giấy tờ mà Thị trấn vừa yêu cầu.

Lấy chiếc xe Dream cà tàng chở tôi ra ngoài bãi, vừa đi Trường vừa chỉ tay về phía mấy trụ điện gió được lắp đặt dọc bờ biển: “Nếu cánh quạt mà xoay nhẹ nhẹ như vậy thì đi biển được, còn xoay nhanh thì ở nhà. Từ xưa tới giờ, ghe tàu ở đây chỉ đăng ký xin cấp số để quản lý rồi đánh bắt bình thường chứ người dân cũng không biết phải đăng ký, đăng kiểm hay xin phép giấy tờ gì. Người dân ở đây ít học càng không biết phải làm thế nào”, Trường chỉ cách nhìn gió nhìn trời rồi phân trần với vẻ tha thiết:

“Tui với bà con nơi đây sống nhờ biển mà hơn mười ngày rồi phải neo ghe, không biết xoay sở tiền nông ra sao để lo cho gia đình. Tui nghe nói phải dừng đến 30/4 mới được, từ đây đến đó không biết sống bằng gì. Tui đi hỏi thăm thì người ta bảo đây là quy định của Bộ để tháo gỡ thẻ vàng. Quy định thì mình phải chấp hành nhưng tui mong chính quyền sớm hướng dẫn người dân thực hiện để còn ổn định cuộc sống”.

Biết tính sao với chén cơm manh áo?!

Hay tin phóng viên xuống tìm hiểu sự việc, rất đông bà con ngư dân ở Thị trấn Tiệm Tôm mang theo những túi lo âu đầy ắp, vội vã tìm đến để bày tỏ nỗi lòng. Ông Nguyễn Văn Hậu (1979), ông Lê Văn Chung (1979), anh Huỳnh Thanh Điền (SN 1992)… hành nghề bắt ốc cà na; bà Huỳnh Thị Trang (1980), bà Trần Thị Phương (1971), bà Lê Thị Nhiên (1982)… trong nhóm nghề ghe lưới và nhiều người khác nữa. Ai nấy đều lộ ra vẻ lo lắng trên gương mặt khi việc dừng hoạt động ghe tàu kéo dài làm cuộc sống vất vả thêm phần khó khăn.

Bến Tre mùa nhiễm mặn – Bài 2: Ngư dân kêu cứu vì phải neo tàu chờ đăng ký, đăng kiểm ảnh 2

Hay tin phóng viên xuống, nhiều người dân vội vã tìm đến giải bày nỗi khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hậu có mười mấy năm làm nghề bắt ốc giải thích thêm rằng, đánh bắt ốc cà na cũng như cá ngát hay ghe lưới cả thôi, đều phụ thuộc vào con nước. Mỗi tháng có hai lần thuỷ triều dâng, đầu tháng từ khoảng 28-29 tới mùng 5-6 âm lịch, giữa tháng trăng tròn nước lớn từ khoảng 14-15 đến 19-20 là đánh bắt được. Thời gian còn lại thì ở nhà nên nghề biển chỉ đủ ăn, hoàn toàn không có dư, tay làm hàm nhai, ngưng là đói. “Tui mỗi tháng còn phải trả lãi ngân hàng, ngưng đi biển thì không biết lấy gì ăn chứ chưa nói đến trả nợ”.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng ai cũng chung nỗi lo khi ghe dừng hoạt động, đứt thu nhập hẳn trong khi đó bao nhiêu áp lực hiện thực ập đến. Anh Huỳnh Văn Phong (SN 1980) cho biết có hai con, một đứa đang học ở TP.HCM, một đứa chuẩn bị theo chị lên trọ học. Đất thành thị bao nhiêu thứ phải lo, từ tiền học phí, tiền ăn uống, sinh hoạt…. “Mới đây, con gái lớn xin tiền đóng phòng trọ, nhưng ghe thì neo không có tiền trang trải, gia đình ở quê đang cố xoay sở nhưng chưa biết kiếm đâu ra để gửi lên thành phố”, anh ngậm ngùi.

Éo le bậc nhất trong những trường hợp tôi tiếp xúc có lẽ là Tần Văn Tâm (SN 1993). Tâm đi bạn (làm trên ghe tàu) nhiều năm, tích góp được hơn hai mươi triệu đồng. Vừa ra Giêng năm nay, Tâm vay mượn hơn 60 triệu đồng nữa để sắm một ghe dài chừng 11m đi biển. Có ngờ đâu, ghe vừa đi vài ba hôm thì nhận được thông báo tạm dừng. Thế là Tâm cắn răng vay mượn xung quanh lo cho gia đình bốn miệng ăn. Tâm trông chờ, nhưng mãi chưa biết đến bao giờ mới được lênh đênh con nước trở lại.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người là một câu chuyện riêng, có người còn nợ ngân hàng từ 50-100 triệu đồng là khoản vay hỗ trợ ngư dân bám biển nhiều năm về trước, có người mượn nợ họ hàng bà con chòm xóm vài đồng gắng gượng qua cơn bĩ cực, người khác bí bách quá phải tìm đến vay tiền góp bên ngoài chờ khi hoạt động trở lại sẽ thu xếp hoàn trả…. Còn bao nhiêu trường hợp khác nữa, không biết phải kể làm sao cho đặng!

Tất cả người dân ở Tiệm Tôm mà phóng viên gặp gỡ đều cho biết sẽ chấp hành nghiêm túc các quy định để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng EC - chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”. Thế nhưng, nhiều ngày neo tàu người dân vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ chính quyền địa phương và chưa biết phải làm những gì để có thể hoạt động, nếu đánh liều đi lụi sẽ bị phạt nên ai nấy đều sốt ruột, lòng như lửa đốt.

Bến Tre mùa nhiễm mặn – Bài 2: Ngư dân kêu cứu vì phải neo tàu chờ đăng ký, đăng kiểm ảnh 3

Thị trấn Tiệm Tôm hiện có hơn 1.000 tàu ghe các loại.

Địa phương nói gì?

Sau khi ghi chép những câu chuyện này, chiều 23/3/2024, phóng viên liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Ảnh Thủ, Phó Chủ tịch Thị trấn Tiệm Tôm để có thêm thông tin về các vấn đề liên quan. Ban đầu, ông Thủ cho biết đi công tác Cà Mau và đang họp nên hẹn liên hệ lại vào chiều cùng ngày nhưng sau đó những cuộc gọi của phóng viên đều không thể kết nối vào số máy vị Lãnh đạo Thị trấn dù vẫn có tín hiệu.

Trao đổi sơ bộ qua điện thoại với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng cho biết, việc này triển khai theo quy định. Sau khi có buổi đối thoại với các hộ dân dưới xã thì cũng đã có hướng dẫn. Việc người dân có phản ứng thì các ngành đang báo cáo với tỉnh để xin ý kiến. Lãnh đạo huyện hẹn đầu tuần sẽ chỉ đạo cung cấp báo cáo cụ thể nhưng đến đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm.

Chiều 25/3, ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp để cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng EC. Tỉnh đang tập trung quyết liệt rà soát, thống kê lại những tàu 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp giấy phép) theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện những đối tượng ở Ba Tri là tàu 3 không nếu không làm thì không có ra (biển) được.

Vừa qua, người dân có lên Chi cục thuỷ sản tỉnh, Sở có phối hợp hướng dẫn rồi nhưng các tàu này chưa thực hiện được, vì tàu không có đăng ký thì không nằm trong danh sách đăng kiểm, cấp giấy phép được. Nghĩa là trước khi anh muốn đóng con tàu hay làm gì thì phải xin phép mới được làm, còn cái này là tự làm. Các trường hợp này thì tạm ngưng để chờ. Hiện nay cả nước đang tập hợp số tàu này lại để Bộ hướng dẫn các địa phương làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép cho người dân. Còn với các tàu đã đăng ký mà chưa đăng kiểm, cấp giấy phép, hiện Sở đã làm việc với các huyện, xã đề nghị rà soát lại những trường hợp nào cấp lại được thì làm, còn trường hợp nào làm không được thì chờ hướng dẫn của Bộ”.

Phóng viên đang cố gắng liên hệ với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để trao đổi về vấn đề này và sẽ thông tin khi có phản hồi.

Thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) được thành lập vào đầu năm 2023 trên cơ sở toàn bộ diện tích 2.236ha, gần 5.000 hộ với 20.790 nhân khẩu xã An Thuỷ. Khu vực Tiệm Tôm nằm ở cửa sông Hàm Luông giáp Biển Đông nên kinh tế chủ yếu là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khai thác thủy, hải sản.


Theo thống kê năm 2023, Thị trấn hiện có hơn 1.000 tàu ghe các loại dài dưới 6m, từ 6m-12m, từ 12m-15m và trên 15m. Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định “tàu cá có chiều dài dưới 12m không thuộc diện phải đăng kiểm nhưng phải trang bị an toàn đầy đủ trước khi tàu đi hoạt động”, như: Trang bị cứu sinh (phao tròn, phao áo), Trang bị vô tuyến điện, Trang bị hàng hải (la bàn..., dụng cụ đo sâu bằng tay), Trang bị tín hiệu (đèn mạn xanh, đỏ), Trang bị cứu hoả, Trang bị chống đắm, chống thủng, Trang bị y tế...

TIN LIÊN QUAN
Bình luận
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.