Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 160.000 trẻ bị ung thư và 90.000 trẻ trong số đó tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, ung thư ở trẻ em chiếm khoảng 1.63% các ca ung thư. Tuy không thường gặp như ở người trưởng thành, nhưng dấu hiệu ung thư có thể phát sinh ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả trẻ mới sinh (do đột biến gen).
Các bậc phụ huynh cần sớm phát hiện những dấu hiệu ung thư bất thường ở trẻ.
Nhiều dạng ung thư ở trẻ em khác với ung thư ở người lớn về cả phương pháp điều trị và tỷ lệ sống. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nâng cao hiểu biết về ung thư trẻ em, nhất là các dấu hiệu sớm thường gặp để có thể phát hiện sớm bệnh và điều trị đạt kết quả tốt. Mặc dù các triệu chứng, biểu hiện của ung thư tùy thuộc vào từng loại bệnh cũng như giai đoạn bệnh cụ thể, nhưng 85% trẻ ung thư thường có các dấu hiệu của ung thư như sau:
- Xuất hiện khối u hoặc sưng bất thường ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể
- Mệt mỏi, xanh xao, sút cân nhanh
- Dễ xuất hiện vết bầm tím và chảy máu không rõ nguyên nhân
- Đau kéo dài không rõ nguyên nhân, đau đầu kèm theo nôn
- Sốt cao và kéo dài
- Thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc thay đổi đột ngột hành vi
- Đầu bị sưng nề
- Xuất hiện vệt sáng trắng ở mắt hoặc có thay đổi về thị lực
- Buồn nôn hoặc chán ăn kéo dài
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Thay đổi thói quen đi vệ sinh
- Dễ dàng và thường xuyên bị bầm tím
Ung thư thường gây triệu chứng sốt cao và kéo dài không khỏi.
Hầu hết các triệu chứng này là do một nguyên nhân khác chứ không phải do ung thư, ví dụ như: sốt do nhiễm trùng hoặc bầm tím do chấn thương... Tuy nhiên, nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào trong các dấu hiệu kể trên, tốt nhất hãy đưa con bạn đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần thiết.
Tóm lại, ung thư ở trẻ em rất hiếm gặp. Các triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, việc ba mẹ thường xuyên để ý đến trẻ, giữ thái độ thận trọng khi trẻ có các dấu hiệu lạ kéo dài. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần giữ thái độ tích cực, không quá lo lắng, gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ cũng như các thành viên trong gia đình.