Những ngày đầu năm, tại phố “ông đồ” - Văn Miếu Quốc Tử Giám lại tấp nập người đi xin chữ, cầu cho một năm may mắn, thành đạt. Các thầy đồ cũng tề tựu về đây và những ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội giao lưu văn hóa và trau dồi thêm kiến thức thành hiền, viết tặng mọi người.
Không chỉ bận rộn viết tặng chữ cho mọi người, ông đồ còn có cơ hội giảng dạy văn hóa cho người đến xin chữ theo tinh thần của cha ông ta.
Chia sẻ cùng PV Kiến thức, Thạc sĩ chuyên ngành Hán nôm Nguyễn Đức Bá giải thích, việc xin và cho chữ của người Việt có những quy tắc riêng. Tùy theo tầng lớp, địa vị trong xã hội và mục đích, người xin chữ sẽ xin những chữ phù hợp với mỗi người. Ngoài những chữ thư pháp chung họ đều muốn đạt được là phúc, lộc, khang, ninh, bình, an... thì các tầng lớp đối tượng đều xin chữ phù hợp với nguyện vọng cụ thể cho mình.
Ảnh minh họa.
Mỗi chữ viết ra là hội tụ của cả Trí - Thần - Lực người cầm bút nên ngoài ý nghĩa cầu may, chữ nghĩa còn là tác phẩm nghệ thuật. Còn có câu chuyện rằng, nếu ai đó không đi xin chữ, nhưng lại được thầy đồ gọi vào cho chữ mới thật là có "lộc chữ", cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, như ý.
Gia đình Net cho biết, nhiều nhà thư pháp tư vấn, có thể dựa vào lứa tuổi hoặc tâm tính để chọn chữ phù hợp. Chẳng hạn, với trẻ nhỏ thì có thể xin chữ “Thực vi tiên” để trẻ hay ăn, chóng lớn. Sau độ tuổi đó, có thể cho chữ “Minh”, "Thành", "Đạt". Khi đến tuổi yêu, xây dựng vợ, gả chồng có thể xin chữ "Duyên", chữ "Phúc"… Khi lớn lên, người ta hay xin chữ "Đức" để nhắc nhở đạo làm người, chữ "Hiếu" để thấu nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ...
Ngoài ra, vào dịp đầu năm, cũng có những chữ cũng được xin phổ biến như một sự “mặc định”. Chẳng hạn, người đi học thường xin chữ "Trí", "Tài", "Nhẫn"; người buôn bán, kinh doanh xin chữ "Lộc", "Tín", "Phát"; Người xin chữ treo trong gia đình thường là "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Tâm", "An"; nam nữ cầu "Danh", "Duyên", "Hiếu", "Trung"; tặng bố mẹ chọn chữ: "Tâm", "An Khang", "Bình An", "Thọ"... Ngoài ra còn có chữ Việt, chữ Đác cũng là những chữ hay được xin đầu năm.
Xin chữ đầu năm là nét văn hóa được nhiều gia đình coi trọng. Ảnh: Báo Đầu Tư
Nhiều người thích xin chữ Nhẫn (nhẫn nại, nhẫn chịu...) nhưng không phải chữ này hợp với mọi người bởi mỗi người lại có cái lý riêng để xin chữ Nhẫn. Chẳng hạn, một người mới lớn đừng nên vội vàng nhận vào mình chữ Nhẫn, bởi nó là con dao hai lưỡi sẽ giết chết cá tính và khiến con người trở nên ù lì.
Nhiều “ông đồ” cũng cho hay, tục xin chữ và cho chữ đầu năm không chỉ là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh mà còn tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Mỗi chữ thư pháp ngoài ước mong của người xin, tài đức của người cho thì cần chính sự thành tâm, hướng thiện của con người để phong tục đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó.
P.V