Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Hầu hết các dự án này là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).
Số liệu nghiên cứu cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long luôn có tỷ lệ đô thị hóa cao của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước 1,3 đến 1,5 lần. Cùng với đó, hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng liên tục được đầu tư mạnh mẽ.
Sở hữu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, logicstic, công nghiệp...nếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, thì khu vực sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, gắn kết với liên kết vùng miền.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực.
Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân.
Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả và đều phát huy những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các đại phương trong vùng.
|
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng.
Nhận thức đúng vai trò, vị trí của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như vai trò quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng cũng như ảnh hưởng do tồn tại, hạn chế của hệ thống kết cấu này đối với sự phát triển của Vùng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng hệ thống đường sắt và cao tốc trên không
Tại sự kiện, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12,8% diện tích cả nước, dân số chiếm 18% cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước, GDP chiếm khoảng 12% cả nước.
|
Tuy nhiên GRDP bình quân đầu người của Vùng thấp hơn mức bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Chưa có cảng đầu mối, trung tâm logistics lớn, hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp xuống cấp, nhiều khu vực còn là vùng trũng y tế, giáo dục của cả nước.
Do đó, ông Trần Việt Trường đề xuất xây dựng Dự án “Kết nối đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao”.
Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có trục chính Quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết.
Cần đổi mới tư duy
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới.
"Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long gánh vác sứ mệnh quốc gia là vựa lúa, có trọng trách bảo đảm an ninh, an toàn lương thực quốc gia mà lại nghèo khó, vất vả? Là vùng chuyên canh nông nghiệp, sản xuất lúa gạo nhưng còn khai thác nguồn lợi tự nhiên trực tiếp, theo cách truyền thống, ít chế biến, chế tạo, ít công nghệ, ít chuỗi", PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra.
Theo vị chuyên gia, những trở lực cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm xuất phát điểm thấp, nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa phát triển trên nền tảng tự nhiên, nhỏ lẻ, ít cạnh tranh; công nghiệp, dịch vụ kém phát triển; hạ tầng giao thông chưa phát triển, khó liên kết vùng; đô thị kém phát triển; nguồn nhân lực hạn chế.
Hiện trạng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nhiều điều kiện nền tảng để tạo động lực, phát huy tiềm năng lợi thế; chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa gắn kết, kém hiệu quả.
Dù vậy, người dân vẫn có khát vọng đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, là nơi đáng sống, an toàn trước những tác động tiêu cực của tự nhiên, đảm bảo an ninh quốc phòng, đa dạng về tập quán văn hóa cũng như hoạt động kinh tế, bảo vệ tốt môi trường và tài nguyên thiên nhiên, bền vững, phát triển thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau; là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và du khách. Trên nền tảng tự nhiên, trở thành vùng du lịch sinh thái.
|
"Để phát triển bền vững, vùng cần những năng lực tư duy mới, cách tiếp cận phát triển mới cần tăng cường năng lực chống chịu nguồn lực để bảo vệ đất nước và an toàn cuộc sống. Ưu tiên bậc nhất: Để giữ đất, giữ nước và để thuận thiên. Nguồn lực tiếp tục nuôi dưỡng cấu trúc kinh tế – xã hội hiện có, để tiếp tục tiến lên", ông PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Cũng theo ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các dự án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cùng 13 địa phương xây dựng 16 đề xuất dự án, với tổng đầu tư 85.140 tỷ đồng.
Mục tiêu của các dự án này nhằm tăng cường hệ thống giao thông kết nối các địa phương; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường ven biển; nâng cao khả năng quản lý nguồn nước, chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Vùng. Tất cả nhằm mục đích nâng cao, ứng phó biến đổi khí hậu.
Về cơ bản, các công trình này có tính lan tỏa cao, hỗ trợ thủy lợi và giao thông. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần phải có cơ chế đặc thù.
Xử lý thách thức ngập lụt đô thị
Phát biểu tại diễn đàn, TS.Patric Rolf Schlager từ Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng một trong những thách thức các đô thị đối mặt, đó là ngập lụt đô thị. Riêng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổn thất kinh tế do ngập lụt là 60 triệu USD. Đô thị hóa với tốc độ phát triển đô thị nhanh, thiếu kiểm soát, khiến ngập lụt nghiêm trọng, hạn chế sự thẩm thấu của nước.
Hệ thống thoát nước công suất không đủ lớn, hạ tầng thoát nước chưa hoàn thiện, đường kính cống nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng chưa cao. Sụt lún đất ở đô thị rất cao do khai thác nước ngầm, trung bình khoảng 1cm/năm. Quản lý lưu vực sông thiếu sự điều phối, khai thác cát quá mức khiến sụt lún đất tăng, dẫn đến ngập lụt và sạt lở khu vực đô thị tăng.
|
Giải pháp để giải quyết vấn đề trên, đó là ứng dụng mô hình thành phố bọt biển. Tư duy đô thị như miếng bọt biển lưu trữ, kiểm soát nước mưa. Giảm thiểu áp lực cho hệ thống thoát nước; hỗ trợ bổ cập nguồn nước ngầm; giảm ô nhiễm; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...Mô hình thành phố bọt biển là hệ thống thoát nước mưa theo hướng bền vững, mô phỏng tuần hoàn nước một cách tự nhiên nhất. Có nhiều khu vực lưu trữ nước; cỏ cây thẩm thấu nước tự nhiên.
"Ngoài thí điểm mô hình thoát nước mưa theo hướng bền vững 3 tỉnh trên, chúng tôi đang nhân rộng ra các tỉnh thành khác trong vùng. Tôi đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả với Bộ Xây dựng. Chúng tôi đang hỗ trợ Bộ Xây dựng tăng cường khung pháp lý xây dựng Luật Cấp thoát nước; Thông tư số 15 về công trình hạ tầng thoát nước", ông Schlager nói.