Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách để nâng cấp lối đi tự mở thành đường ngang.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết tại Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 297 đường ngang hiện đang là các lối đi tự mở.
Việc xây dựng đường ngang mới (nâng cấp, cải tạo lắp đặt thiết bị thành đường ngang cảnh báo tự động hoặc đường ngang có người gác) sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn trung hạn mới chỉ tập trung thực hiện nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt, nhà ga, bãi hàng... nhằm tăng năng lực chạy tàu và đáp ứng yêu cầu về vận tải đường sắt. Các hạng mục công trình theo lộ trình tại Đề án chưa được ưu tiên thực hiện.
Để sớm đảm bảo an toàn giao thông tại 297 lối đi tự mở này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho hoạt động kinh tế đường sắt thực hiện từ năm 2024, hoàn thành năm 2025 để tổng công ty hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, lắp đặt thiết bị tín hiệu tại 297 lối đi tự mở thành đường ngang. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 750 tỷ đồng.
"Việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện các công trình này ngay từ năm 2024 và hoàn thành trong năm 2025 là phù hợp với tiến độ thực hiện theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ.
Công trình hoàn thành sớm sẽ xóa bỏ được 297 vị trí tiềm ẩn nguy cơ rất cao về mất an toàn giao thông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, sau 2 năm thực hiện đề án về đảm bảo an toàn giao thông đã xóa bỏ được 511 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm trên các tuyến đường sắt, đạt 12,6%; rào thu hẹp lối đi tự mở tại 1.448/1.879 vị trí, đạt 77%.
Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy hiện trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.023 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt; trong đó có 1.510 đường ngang, chiếm tỷ lệ 30% và 3.513 lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 70%.
Theo kế hoạch, năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ ký hợp đồng đặt hàng và triển khai lắp đặt bổ sung thiết bị tín hiệu tại 270 đường ngang, chia thành 65 công trình với tổng số vốn 400 tỷ đồng nguồn ngân sách Nhà nước./.