Góp ý vào văn kiện Đại hội, ông Nguyễn Minh Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cho rằng, nội dung về phát triển kinh tế nông nghiệp cần đưa ra khái niệm cụ thể về đột phá từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong các phong trào nông dân. Từ đó, có cơ sở cụ thể để "kích hoạt" kinh tế nông thôn. "Nông dân phải làm kinh tế thì mới phát triển được. Đột phá kinh tế nông nghiệp cần đưa vào là nhiệm vụ hàng đầu trong các phong trào của nông dân", ông Sỹ nói.
Theo điều lệ, từ 18 tuổi trở lên có thể tham gia vào Hội Nông dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Sỹ, nông dân là tầng lớp đông đảo trong xã hội, thông thường ở nông thôn khoảng 16 tuổi đã rất đông đảo người dân làm nông nghiệp, có nhiều nơi trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn đã tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình, cha mẹ. Do đó, ông Nguyễn Minh Sỹ đề xuất hạ độ tuổi gia nhập Hội Nông dân ở cấp cơ sở để tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt, học hỏi.
Kiến nghị Trung ương Hội xem xét phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế chính sách giữa ba nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học nhằm góp phần giúp sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ nhanh hơn, nhiều hơn, giúp nông dân yên tâm sản xuất, ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta không thể cứ theo tín hiệu thị trường rồi đua nhau làm sau đó lại giải cứu. Trong phương hướng, nhiệm vụ cần có kế hoạch tổng thể, dự báo tình hình cho nông dân. Ví dụ nền nông nghiệp đô thị trong 5 năm tới sẽ phát triển như thế nào khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các chính sách cho nông nghiệp đô thị nhiều nhưng vẫn chồng chéo nhau. Đơn cử như hiện nay một số vùng ở Thành phố Hồ Chí Minh đất thuộc diện quy hoạch rất nhiều nhưng nhiều năm chưa triển khai dự án, trong khi nông dân cần đất sản xuất song lại không có", ông Thuận nêu ví dụ. Đồng thời, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cũng đề cập đến vấn đề tạo cơ chế, tạo đầu ra có lợi nhất cho nông dân khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng giá sản phẩm thường xuyên bấp bênh, người nông dân bị ép giá.
Bà Nguyễn Thị Trâm, đại diện nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bắc Ninh cho rằng, muốn nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, cần sớm đáp ứng một số yêu cầu như: Áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến để tăng năng suất, giảm giá thành, cập nhật xu thế thị trường, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông sản; chuẩn bị giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận đầy đủ theo từng ngành hàng; vạch ra lộ trình, chiến lược phát triển phù hợp và phải linh động theo thị trường...
Từ những quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Trâm đề xuất, trong nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân các cấp cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò hỗ trợ nông dân, người làm nông nghiệp, chủ trang trại, cơ sở chế biến nông sản... trong quá trình tiến hành các thủ tục pháp lý để hoàn thành thủ tục nhanh gọn, các đơn vị có diện tích đất thuê lâu dài yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến; hỗ trợ thủ tục trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của Hội Nông dân và một số nguồn khác với lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp mở rộng hơn vai trò cầu nối, giới thiệu nông dân với các đơn vị có thể chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc chế biến sâu sản phẩm nông sản; hiện thực hóa ý tưởng tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu quy trình; tổ chức các chương trình kết nối phân phối, đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng bán hàng đa nền tảng thương mại trên mạng xã hội...