Trong dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến dư luận, có 4 hình thức khen thưởng được đưa ra gồm: Tuyên dương trước lớp, tuyên dương trước toàn trường, tặng giấy khen và các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng học sinh.
Điểm mới trong dự thảo này là nhà trường chỉ xem xét tặng giấy khen cho học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), đạt danh hiệu Học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT); có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực phẩm chất; có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội, được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.
Điều đó có nghĩa là học sinh có học lực khá sẽ không được tặng giấy khen cuối năm. Quy định mới này nhằm mục đích giảm số lượng giấy khen, tránh tình trạng khen tràn lan như nước đây.
Lý giải về thay đổi này, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, mục đích của việc khen thưởng là thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên, noi theo những tấm gương tốt để tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Điều này nhấn mạnh tính tự giáo dục, tự hoàn thiện của học sinh.
"Hiện có nhiều trường tặng giấy khen tràn lan cho cả học sinh khá và giỏi, dẫn đến học sinh không còn có động lực, người được khen cũng cảm thấy bình thường. Điều này không đáp ứng được mục đích, yêu cầu của công tác khen thưởng", ông Linh nói.
Bên cạnh đó, những học sinh có thành tích đột xuất như giúp đỡ bạn khó khăn, nhặt được của rơi trả người đánh mất, cứu bạn đuối nước, hiệu trưởng nhà trường cần xem xét tuyên dương trước trường, tặng thư khen, phần thưởng hoặc các hình thức khác phù hợp.
Ngoài ra, tùy điều kiện của trường, hiệu trưởng có quyền quyết định, sáng tạo, linh hoạt hình thức khen thưởng như tặng vở, sách, truyện cho học sinh. Các hình thức khen được nhà trường thống nhất với giáo viên, ban đại diện phụ huynh và học sinh để tổ chức cho thực chất. "Những đơn vị tổ chức khen thưởng hào nhoáng nhưng không đảm bảo mục tiêu giáo dục phải bị phê phán", ông Linh nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, giáo viên nên tăng cường việc khen thưởng học sinh trước tập thể để động viên các em cố gắng. Việc khen thưởng phải kịp thời, sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là để cuối kỳ, cuối năm mới khen thưởng.
Dự thảo thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh cũng nêu rõ, học sinh và phụ huynh có quyền khiếu nại lên hiệu trưởng khi thấy không được khen thưởng thỏa đáng. Nếu nhà trường đã xem xét lại mà vẫn chưa thấy thỏa đáng, học sinh và phụ huynh có thể khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông nêu các trường hợp được khen thưởng như sau:
Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT).
Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; học sinh có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.
Học sinh có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền.
Căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, Hiệu trưởng quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với từng thành tích cụ thể đạt được của học sinh.