Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.
Theo đó, lãi vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030. Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau: từ năm 2025 đến năm 2029 bố trí mỗi năm khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.
Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Cùng đó, dự thảo đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho phát triển nhà ở xã hội. Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp, phải thẩm định việc dành quỹ đất phát triển nhà ở công nhân theo quy định Luật Nhà ở.
Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, gửi hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh cho Bộ Tài chính để trình Thủ tướng phê duyệt, cấp bảo lãnh Chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ, quản lý nguồn vốn theo quy định.
Cùng đó, các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Mục tiêu của Nghị quyết nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030 cần nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng. Đến nay Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từ thời kỳ.
Tuy nhiên gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng sau hơn 1 năm triển khai có tỷ lệ giải ngân rất thấp vì mức lãi vay, điều kiện vay chưa thực sự ưu đãi với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Hiện gói vay này lãi suất 7%/năm với chủ đầu tư và 6,5%/năm với người mua nhà.
Tính đến cuối quý III/2024, gói vay này có tổng dư nợ 1.783 tỷ đồng; trong đó khách hàng doanh nghiệp đủ điều kiện vay đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, với mức dư nợ 1.633 tỷ đồng. Hiện còn 68 dự án hiện chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng; trong đó 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và 6 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Còn đối với người mua nhà, đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho khách mua nhà tại 12 dự án. Tuy nhiên, lãi suất vay theo Ngân hàng Chính sách xã hội 6,5%/năm được đánh giá còn cao so với khả năng chi trả của người dân.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng là cần thiết để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.
Tháng 10/2024, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội trước khi đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết để phát hành 100.000 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho phát triển nhà ở xã hội.
Trong giai đoạn 1 sẽ triển khai 275 thủ tục hành chính, người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ tục hành chính phi địa giới hành chính (có nghĩa nộp ở địa bàn nào thuận lợi nhất) và nhận kết quả trả qua ứng dụng VNeID, bản giấy nhận qua bưu điện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nhấn mạnh: Việc triển khai mô hình hành chính một cấp không chỉ thể hiện quyết tâm của tỉnh trong cải cách hành chính mà còn giúp giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để Bình Dương tiến tới xây dựng chính quyền số toàn diện.
Điểm nổi bật của mô hình là sự thống nhất trong xử lý hồ sơ. Các cơ quan không phải chuyển hồ sơ qua nhiều cấp chính quyền, tránh tình trạng chồng chéo và kéo dài thời gian xử lý.
Ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Dương cho biết thêm, đây là mô hình giải quyết thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Người dân và doanh nghiệp có thể nộp và xử lý hồ sơ ở bất kỳ địa điểm nào trong hệ thống (xã, huyện, hoặc tỉnh) mà không cần phụ thuộc nơi cư trú hay địa bàn. Nhờ vào hệ thống số hóa và liên thông dữ liệu, hồ sơ được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xử lý mà không gây gián đoạn, tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân.
Cùng với đó, quy trình xử lý hiện đại và tối ưu số hóa 100% hồ sơ đầu vào. Cụ thể, nhờ quy trình số hóa, hồ sơ được xử lý ngay lập tức mà không cần chờ hồ sơ giấy. Người dân có thể lựa chọn địa chỉ nhận kết quả và kết quả bản giấy được chuyển đến đúng địa chỉ đã đăng ký thông qua bưu chính; bản kết quả số hóa được gửi trực tiếp vào tài khoản ứng dụng VNeID của người dân. Từ đó, người dân có thể sử dụng kết quả này thực hiện thủ tục hành chính khác mà không cần nộp lại bản giấy, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính thuận tiện.
Bình Dương triển khai 275 thủ tục hành chính từ nay đến cuối năm. Từ đầu năm 2025, hơn 500 thủ tục hành chính được thực hiện theo mô hình phi địa giới hành chính. Đến tháng 7/2025, 100% thủ tục hành chính áp dụng hoàn toàn mô hình này.
Thống kê từ Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh cho thấy, sau thời gian thí điểm, hơn 95% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý đúng hạn. Thời gian giải quyết trung bình giảm 30 - 50% so với trước đây, đặc biệt thủ tục hành chính đơn giản được giải quyết ngay trong ngày.
Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện mô hình hành chính một cấp, đồng thời mở rộng phạm vi tích hợp các dịch vụ công trực tuyến.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng khẳng định: "Bình Dương tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu liên thông giữa các sở, ngành và địa phương. Chúng tôi cam kết mang đến những dịch vụ hành chính hiện đại, minh bạch và thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp".
Với những lợi ích vượt trội, mô hình giải quyết hành chính một cấp đang trở thành “chìa khóa” để Bình Dương đón đầu xu thế cải cách và hội nhập trong kỷ nguyên mới.