Đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên

(Ngày Nay) - Phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) đã khiến nhiều người công tác trong ngành giáo dục khấp khởi mừng, đó là đề xuất tăng phụ cấp giáo viên lên tới 30%.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển GD&ĐT là “quốc sách hàng đầu”. Nghị quyết Trung ương 2, Khóa VIII đã xác định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc. Nghị quyết Trung ương 29, Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tiếp tục khẳng định lại quan điểm này.

Theo ông Nhạ, đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương lần này cho thấy, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên chỉ tương đương với mức hiện nay (hoặc tăng không đáng kể), thậm chí giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tổng thu nhập từ lương có xu hướng giảm.

Bộ trưởng dẫn chứng: Hiện nay, tính trung bình cơ cấu giữa lương và phụ cấp của giáo viên là 100% lương và 54% phụ cấp, quy đổi ra là 70% lương và 37,8% phụ cấp. Nhưng theo cơ cấu lương và phụ cấp trong Đề án (70% lương, 30% phụ cấp) thì phụ cấp của giáo viên sẽ giảm 7,8% so với hiện nay (chưa kể tỷ lệ % giảm do không còn phụ cấp thâm niên). Xét một cách tổng thể, tổng thu nhập từ lương của giáo viên sẽ không có sự thay đổi đáng kể so với hiện nay, trong khi tổng thu nhập từ lương của các ngành khác sẽ tăng hơn nhiều khi thực hiện theo Đề án này.

Khẳng định đội ngũ nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung của công việc, giáo viên cần được động viên để gắn bó, tâm huyết với nghề, phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong quá trình dạy học. Đặc biệt, cần động viên xứng đáng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ ở thôn/bản xa xôi, hẻo lánh. Giáo viên nơi đây không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mà nhiều trường hợp còn như những người cha, người mẹ chăm sóc học sinh, đem con chữ đến với đồng bào ở những vùng khó khăn nhất. Bên cạnh đó, hiện nay, có rất ít học sinh giỏi muốn vào ngành sư phạm, vì vậy cần có chính sách thu hút, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, trước hết là các chính sách về lương, thưởng.

Bộ trưởng đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”.

Đề nghị này đã nhận được nhiều ủng hộ từ giáo viên và các chuyên gia giáo dục. Theo nhiều giáo viên đang giảng dạy, việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo là hợp lý, hợp tình. Trong đề án tiền lương này, giáo viên không có gì gọi là đặc thù, không hơn gì so với ngành nghề khác, mức lương được điều chỉnh tăng của giáo viên không có ý nghĩa, rất cần có khoản phụ cấp hấp dẫn để “níu chân” giáo viên ở lại nghề.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.