Trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm, khó kiểm soát
Giáo viên không bằng cấp, cơ sở không được cấp phép vẫn mở rộng địa bàn ở các quận nội thành như trường hợp của MST English đã gây nên bão dư luận. Chỉ sau khi vụ việc tai tiếng xảy ra giữa người dạy học và học viên thì trung tâm này mới bị yêu cầu đóng cửa và xử phạt hành chính.
Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT Wellsping (Hà Nội) cho rằng, để không xảy ra những tình huống tương tự, chính quyền địa phương phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ đóng trên địa bàn và phải chịu trách nhiệm về những sự cố xảy ra trên địa bàn mình.
Ông Đại cho biết, hiện các trung tâm ngoại ngữ, kể cả các trung tâm luyện thi, dạy thêm mọc lên quá nhiều gây khó cho công tác quản lý. Nhiều cơ sở không đủ các điều kiện về bằng cấp, cơ sở vật chất... để được cấp phép nên họ hoạt động chui.
Theo ông Đại, về mặt chuyên môn thì phải được sự cho phép của Sở GDĐT, còn địa phương quản lý mặt hành chính. Để quản lý tốt các cơ sở này, chính quyền địa phương cần tăng cường rà soát, bởi chỉ địa phương mới nắm rõ được trên địa bàn có những cơ sở nào “mọc lên”.
GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận xét, qua nhiều sự việc cho thấy công tác quản lý rất lỏng lẻo. “Nếu chỉ một vài cơ sở hoạt động chui thôi để bảo cơ quan quản lý không phát hiện được thì có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế rất nhiều cơ sở không phép hoạt động, thậm chí công khai tuyển sinh rộng rãi” - GS Dong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dong, một khi phát hiện các tổ chức hoạt động chui, cần đình chỉ ngay, nếu không làm nghiêm thì các trung tâm khác sẽ vẫn đua nhau làm trái quy định.
Riêng trường hợp của MST English, theo GS Phạm Tất Dong, cần làm rõ xem ai đang đứng sau “chống lưng” cơ sở này khi tháng 2/2018, cơ sở tại 234 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm của MST English đã từng bị Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm phát hiện ra sai phạm. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn hoạt động và công khai mở thêm chi nhánh khác.
Chốt kết quả rà soát vào 25/5
Cũng liên quan tới vấn đề này, ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ vừa yêu cầu tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên cả nước.
Theo đó, các Sở Giáo dục, đại học, học viện, cao đẳng sư phạm có trách nhiệm rà soát và đánh giá tổng thể hoạt động của những trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn đang hoạt động trong địa bàn hoặc phạm vi đơn vị quản lý.
"Cần tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hoạt động đào tạo... của trung tâm, xử lý những vi phạm" – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu.
Bên cạnh đó, danh sách trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc cả khối công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài; trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn, phải được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục, trường đại học.
Bộ cũng yêu cầu kèm theo danh sách này phải có thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, thời gian thành lập, địa điểm được cấp phép hoạt động, danh sách học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học... Đây là thông tin cần thiết để người học có thể căn cứ vào đó để lựa chọn những trung tâm uy tín trước khi đăng ký theo học thay vì chỉ giới thiệu miệng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các Sở Giáo dục, nhà trường phải gửi báo cáo rà soát về Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT trước ngày 25/5.
Hiện nay, các văn bản quản lý khá đầy đủ, nhưng việc chấp hành qui định lại không được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, quá nhiều bên tham gia vào quản lý, nhưng cuối cùng trách nhiệm chẳng thuộc về ai. Bởi vậy, mỗi khi xảy ra vụ vi phạm, các bên lại đá bóng trách nhiệm cho nhau.