Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ trình Hội nghị Trung ương 7 đã nêu đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, một trong các phương án Ban soạn thảo đề xuất là tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ.
PV có cuộc trao đổi với ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động) xung quanh nội dung trên.
Việt Nam đang có tốc độ già hoá dân số nhanh
- Vì sao việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lại được đưa ra vào lúc này, thưa ông?
- Đề án cải cách chính sách BHXH trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII có rất nhiều nội dung cải cách và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong số đó.
Hiện việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của thế giới, nhất là khi đời sống vật chất, tinh thần và thể lực được cải thiện nên tuổi thọ dân số tăng lên.
Tăng tuổi nghỉ hưu cũng để phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu học. Việt Nam đang có tốc độ già hóa thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới, số người già trên tuổi 60 sẽ tăng từ 9,2 triệu người năm 2015 lên 30 triệu người năm 2057.
Dân số già nhanh và lực lượng lao động có xu hướng bắt đầu giảm trong hai thập kỷ tới, nên việc tăng dần tuổi hưu một cách phù hợp là để duy trì sự ổn định của thị trường lao động, tránh sự bị động. Năm 2010, Trung Quốc có thặng dư lao động 150 triệu người, tuy nhiên theo tính toán thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động vào năm 2025. Nhật Bản, Ý là những ví dụ cụ thể của việc thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thay thế vì dân số già quá nhanh, trong khi chính sách điều chỉnh tuổi hưu được xem xét quá chậm.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tích cực tới bình đẳng giới. Hiện tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á trừ Lào và Việt Nam đều đã có tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa nam và nữ, Chúng ta biết rằng phụ nữ sống lâu hơn và dễ rơi vào tình trạng nghèo đói do có lương hưu thấp. Việc nâng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ làm giảm khoảng cách về giới trong cách tính đầy đủ về lương hưu.
Ngoài ra, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu giúp bền vững về mặt xã hội và tài chính của hệ thống, đảm bảo công bằng giữa các thế hệ vì sẽ ngày càng ít thế hệ trẻ sẽ phải hỗ trợ đối với thế hệ già, từ đó làm giảm gánh nặng đối với các thế hệ trẻ.
Một số kết quả nghiên cứu trong năm 2012 cho thấy tại Việt Nam có 40% người về hưu vẫn làm việc bình quân cho tới 65 tuổi. Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu cho phép người cao tuổi làm việc lâu dài hơn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
- Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động và tình trạng thất nghiệp của giới trẻ như thế nào?
- Các nghiên cứu đều chỉ ra yếu tố quyết định giải quyết việc làm là phát triển nền kinh tế, chứ không phải câu chuyện tuổi nghỉ hưu.
Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang. Ảnh: Hoàng Thùy |
Thực tế, số việc làm được tạo ra bởi sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bình quân một doanh nghiệp thành lập ra ít nhất giải quyết được 3 việc làm. Hơn nữa, việc làm của giới trẻ và người già hoàn toàn khác nhau. Rất nhiều người đang nhìn nhận việc làm đóng khung trong khu vực nhà nước với biên chế cố định. Tính đến hết năm 2017, có gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 3,8 triệu người làm việc ở khu vực nhà nước, còn khoảng 10 triệu làm việc trong các doanh nghiệp.
Như vậy, nói rằng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng việc làm là không thực sự thuyết phục.
Không có khái niệm vỡ quỹ bảo hiểm xã hội
- Có ý kiến cho rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là do lo ngại nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Ông nghĩ sao?
- Không có khái niệm vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. BHXH là chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người người dân trước các rủi ro trong quá trình lao động, hoàn toàn khác với các loại hình bảo hiểm kinh doanh khác. Chính vì thế, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH.
Bên cạnh đó, mô hình BHXH của chúng ta thực hiện sự chia sẻ, đoàn kết giữa các thế hệ, tức là những người trẻ đang đi làm hiện nay tham gia đóng BHXH để những người già hưởng lương hưu. Hiện số người đang đóng quỹ BHXH là gần 14 triệu người nhưng chỉ có khoảng 3 triệu người hưởng lương hưu. Như vậy thì không thể vỡ quỹ.
Tuy nhiên, cùng với quá trình già hóa dân số nhanh, trong tương lai (khoảng 30-50 năm tới) thì số người tham gia đóng góp có xu hướng giảm dần. Bên cạnh đó, số người hưởng có xu hướng tăng, khi đó quỹ BHXH cần được tính toán để đảm bảo cân đối tài chính trong dài hạn.
Vì vậy, Đề án cải cách chính sách BHXH lần này có rất nhiều nội dung cải cách, trong đó điều chỉnh các tham số để quỹ BHXH đảm bảo cân đối tài chính trong dài hạn được đề cập khá nhiều.
- Đề án cải cách chính sách BHXH đề xuất rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu. Đề xuất này liên quan như thế nào đến việc tăng tuổi hưu?
- Hiện nay chúng ta đang quy định thời gian tối thiểu người lao động muốn hưởng hưu là phải có 20 năm đóng góp. Như vậy, thời gian người lao động chờ đợi rất lâu, trong khi thực tế tại các khu công nghiệp, người lao động có thể chỉ làm 5-10 năm rồi về làm việc khác. Lúc đó, tâm lý chờ đợi quá lâu dẫn đến họ có xu hướng xin hưởng một lần. Đến khi những người này về già, ngân sách nhà nước lại phải bỏ ra một khoản để lo cho họ. Vì vậy, chúng tôi mới đặt ra vấn đề tại sao không quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với quan hệ lao động?
Đây cũng là xu hướng của thế giới khi Đức, Hàn Quốc chỉ quy định 5 năm tham gia bảo hiểm xã hội nhưng đạt tới tuổi nghỉ hưu là có quyền hưởng lương hưu, mặc dù mức hưởng có thể không cao.
Quan điểm này đang được Việt Nam nghiên cứu, đánh giá tác động để thay đổi, điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm như hiện tại xuống còn 10 năm. Khi đó, những người 50-60 tuổi mới tham gia vẫn có cơ hội hưởng lương hưu. Nếu cứ quy định thời gian đóng 20 năm cứng thì người 50 tuổi khó có cơ hội hưởng lương hưu.