Công ước di sản thế giới theo quy định của UNESCO vào năm 1972 cung cấp cơ sở cho việc chỉ định và quản lý các di sản thế giới. Theo điều khoản 11.4 của Công ước UNESCO, thông qua Ủy ban Di sản Thế giới, có thể đưa các địa điểm cần được bảo tồn khẩn cấp, hoặc các địa điểm cần được “hỗ trợ theo yêu cầu” của quốc gia có di sản đó vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa. Hành động này nhằm nâng cao nhận thức của quốc tế về mối đe dọa và khuyến khích đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục. Các mối đe dọa đến một địa danh di sản xác định chắc chắn và được chứng minh được mối đe dọa sắp xảy ra hoặc nguy hiểm tiềm năng có thể có làm ảnh hưởng đối với di sản đó.
Theo thống kê, có đến 70 trong tổng số 229 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngành công nghiệp khai thác mỏ. Châu Phi là khu vực có nhiều di sản thiên nhiên bị đe dọa nhất với 41 địa điểm, tiếp theo là châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Mỹ Latin... Điều đáng nói là dù được 191 quốc gia công nhận và tham gia nhưng Công ước di sản thế giới 1972 lại không được tất cả xem trọng. Một số nước đang tỏ ra bất lực trước việc các hoạt động kinh tế như khai mỏ, dầu khí... tàn phá môi trường và di sản.
Một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận có nguy cơ bị hủy hoại là Machu Picchu ở Peru. Thành phố bị mất tích của người Inca này rơi vào tình trạng đáng báo động do ảnh hưởng của du lịch, cùng việc khai thác gỗ và quản lý chất thải yếu kém. Khói xe, quá nhiều người đi lại ở khu di tích khiến cho đền đài và các kết cấu khác có nguy cơ sụp đổ. Mỗi ngày, di sản thế giới Machu Picchu đón gần 2.500 du khách trong khi công trình này được xây dựng vào thế kỷ 15 để phục vụ cho dân số không quá 800 người.
Thị trấn buồn tẻ Omori ở Nhật Bản từng được coi là “không có giá trị nổi bật”, nhưng sau cuộc vận động hành lang mạnh mẽ của chính quyền Nhật Bản, Omori được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2007. Chỉ trong vòng một năm sau, gần 1 triệu du khách đã kéo đến đây, gây xáo trộn cuộc sống lặng lẽ, bình yên vốn có của thị trấn. Người dân buộc phải thay đổi để “thích ứng”.
Thị trấn Omori ở Nhật Bản |
Một khu vực gây tranh cãi khác được bổ sung vào danh sách của UNESCO là các nhà máy và khu mỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp Meiji. Hàng chục nghìn người Hàn Quốc, Trung Quốc và các tù nhân quân đồng minh trong chiến tranh bị buộc phải lao động ở đây.
Thị trấn cổ Lệ Giang có bề dày lịch sử 800 năm tuổi ở Vân Nam, Trung Quốc được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Hiện đây là một trong những điểm du lịch hút khách hàng đầu của đất nước này. Làn sóng những người có tiền và kỹ năng đổ vào Lệ Giang đã khiến người dân bản địa có cảm giác như đang bị mất đi thị trấn mà họ đang sinh sống. Theo nhà chức trách ở đây, số lượng du khách hàng năm đến Lệ Giang tăng từ 150.000 người lên 16 triệu lượt khách vào năm 2015. 1/3 thị trấn bị phá hủy sau trận động đất năm 1996 khiến nhiều ngôi nhà mới được xây dựng lại.
Thị trấn cổ Lệ Giang |
Hòn đảo nhỏ Mont Saint-Michel của Pháp nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp cùng tu viện dòng Benedict - một trong những công trình tiêu biểu cho kiến trúc Pháp cũng đang “quá tải” vì các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, khách sạn… mọc lên dày đặc quanh đảo.
Mont Saint-Michel là điểm hành hương thời Trung cổ, công trình kiến trúc độc đáo này phải mất khoảng 800 năm mới hoàn thành. Trải qua thời gian, nơi đây từng có một khoảng thời gian được sử dụng làm nhà tù trong cuộc cách mạng Pháp. Với dân số khoảng 50 người trên diện tích 100ha, hòn đảo này hiện thu hút 2,8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Du lịch phát triển kéo theo đó là hàng loạt các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, khách sạn... mọc lên dọc các con đường khiến hòn đảo trở nên “quá tải”.
Hòn đảo nhỏ Mont Saint-Michel của Pháp |
Các công trình nhà chọc trời, các dự án cơ sở hạ tầng, sông ngòi, kênh rạch, đường xá và cầu cống, ngành khai thác mỏ, rừng, khí đốt, dầu mỏ cũng như việc săn bắt trái phép động vật cho mục đích thương mại gây ảnh hưởng không nhỏ đến các di sản. Nhiều di sản còn là nạn nhân của chính sự thành công của sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Nhiều công ty du lịch đã không do dự sử dụng danh hiệu “Di sản Thế giới” như một công cụ quảng cáo để kiếm tiền. Theo thống kê, mỗi ngày có trên 5.000 khách du lịch tới đền Angkor ở Cam-pu-chia. Còn tại các đảo Galapagos, số lượng khách du lịch từ 40.000 khách năm 1991 đã vượt tới 120.000 năm 2006. Hình thức du lịch này không chỉ gây nguy hại đến cảnh quan thiên nhiên của các địa danh mà còn gây ảnh hưởng tới an ninh công cộng, chưa kể đến sự xuống cấp và biến thái của dịch vụ. Chính vì vậy, sự phát triển của một ngành du lịch chất lượng cần có sự phối hợp vừa của các nhà tổ chức du lịch, của người chịu trách nhiệm bảo tồn, của những hướng dẫn viên du lịch và của tất cả các khách du lịch.
Đền Angkor ở Cam-pu-chia |
Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) cảnh báo các công ty, tập đoàn hoạt động khai thác tại khu vực di sản thế giới sẽ phải đối mặt với uy tín sụt giảm, kiện tụng pháp lý và khả năng bị cổ đông thoái vốn. Các đơn vị WWF, Investors và Investec đã thông qua báo cáo kêu gọi các nhà đầu tư dùng ảnh hưởng của mình ngăn chặn các công ty hoạt động khai thác tại các khu vực di sản thế giới.
“Bảo vệ những di sản này không chỉ quan trọng về môi trường, nó còn thiết yếu đối với kế sinh nhai và tương lai của những người sống phụ thuộc vào chúng”- giám đốc điều hành WWF, ông David Nussbaum, giải thích.
Chia sẻ quan điểm, tiến sĩ Susan Lieberman - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WCS), nhấn mạnh rằng nếu để các kho báu thiên nhiên bị tàn phá - “điều này cũng kinh khủng như việc các đền đài và công trình văn hóa đang bị phá hủy trên khắp thế giới”. Trong bài viết trên tạp chí NatGeo, bà Susan nhắc lại Ủy ban Công ước di sản thế giới và UNESCO cũng đã nhiều lần cảnh báo hoạt động khai thác tài nguyên đe dọa đến tính vô giá của các di sản.
Giáo hoàng Francis của Tòa thánh Vatican cũng là một nhà hoạt động nhiệt thành vì môi trường. Những lời sau đây ông từng nói có lẽ đáng để nhiều người suy ngẫm: “Bảo vệ môi trường cần một tầm nhìn xa, vì nếu đã ham món lợi nhanh và dễ thì người ta không quan tâm lắm tới chuyện giữ gìn nữa. Nhưng cái giá phải trả cho sự ích kỷ đó còn lớn hơn lợi ích kinh tế nó mang lại... Chúng ta chỉ là những nhân chứng câm lặng trước tội ác nếu chúng ta nghĩ có thể kiếm được lợi lộc bằng cách bắt nhân loại, thế hệ hiện tại và mai sau trả cái giá quá đắt cho việc môi trường bị tàn phá”.