Văn bản nêu rõ ngày 5/3/2018, Bộ VH-TT&DL đã cử Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Công trình xây dựng sai phép tại quần thể danh thắng Tràng An |
Sau khi xem xét Báo cáo của Đoàn kiểm tra và Báo cáo số 17/BC-SDL ngày 5/3/2018 của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình về vi phạm xây dựng công trình trái phép trong Khu Di sản Quần thể danh thắng Tràng An của ông Nguyễn Văn Son tại khu vực núi Cái Hạ, thôn Trường An, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình nhanh chóng có biện pháp.
Cụ thể, văn bản nêu rõ đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành tại khu vực núi Cái Hạ. Xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực nêu trên, để hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Tự ý xây dựng
Trong cuộc trao đổi với báo chí về thông tin có công trình xây dựng trái phép trong di sản thế giới Tràng An, sáng 6/3, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, quần thể di tích danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Đáng tiếc sai phạm hết sức nghiêm trọng đã xảy ra từ giữa năm 2017 khi Công ty du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm giám đốc đã tự ý xây dựng công trình có cổng và đường lên núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) với chiều dài hơn 1 km và hơn 2.000 bậc lên xuống cùng nhiều công trình phụ trợ như đàn tế lễ, nhà vệ sinh, cổng lên đàn kính thiên.
Đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL gồm thanh tra và Cục Di sản văn hóa đã về kiểm tra công trình này và kết luận: “Đây là công trình xây dựng không có hồ sơ, không được cơ quan thẩm quyền cho phép xây dựng. Công ty Tràng An tự ý xây dựng công trình này trong thời gian hơn 6 tháng, đến nay đã hoàn thành. Căn cứ vào các văn bản pháp luật và các tài liệu, chúng tôi khẳng định công trình xây dựng đường lên núi Cái Hạ xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng Điều 13 Luật Di sản”.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Sở Du lịch Ninh Bình khẩn trương báo cáo tỉnh, phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp tháo dỡ toàn bộ công trình trái phép này, trả lại nguyên trạng mặt bằng của di tích.
Cơ quan quản lý chỉ “dừng” ở công văn
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, ngay từ đầu khi phát hiện việc xây dựng này, Ban quản lý danh thắng Tràng An đã lập biên bản báo cáo với lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình. Sở có văn bản gửi huyện Hoa Lư đề nghị chỉ đạo dừng thi công và thu dọn các nguyên vật liệu tập kết để trả lại nguyên trạng cho di tích.
Từ tháng 8/2017, xã Trường Yên có 5 văn bản gửi đến Công ty du lịch Tràng An nêu rõ đây là công trình xây dựng trái phép và yêu cầu đơn vị dừng thi công, trả lại mặt bằng cho di tích. Nhưng công ty này phớt lờ, tiếp tục thi công, đến cuối năm 2017 thì hoàn thành công trình.
“Đây là công trình xây dựng trong vùng lõi của di sản Tràng An nên trách nhiệm chính và trên hết là của huyện Hoa Lư”, ông Phúc nói.
Ông Bùi Công Chính, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn cho biết, việc xây dựng công trình lên đỉnh núi Cái Hạ là xâm hại nghiêm trọng đến rừng đặc dụng. Thế nhưng từ tháng 8/2017, UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) và Hạt kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn đã phát hiện xây dựng cầu này. Cả hai đơn vị trên đã báo cáo UBND huyện Hoa Lư. Huyện sau đó cũng đã chỉ đạo Trường Yên phải yêu cầu ông Nguyễn Văn Son dừng việc thi công, tháo dỡ công trình không phép này nhưng không được ông Son chấp hành.
Tăng chế tài?
Vụ việc ở Tràng An cũng khiến công chúng đặt câu hỏi về mô hình quản lý các di sản thế giới. Chẳng hạn, theo Nghị định 109/2017/NĐ-CP bảo vệ quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, việc tổ chức giám sát định kỳ về di sản sẽ được thực hiện vào quý I hằng nă. Như vậy, nếu di sản bị xâm phạm ngay sau khi giám sát thì phải tới 1 năm sau nó mới có thể bị phát hiện. Cần tiến hành việc này thường xuyên hơn, chẳng hạn 6 tháng/lần, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đề xuất.
Cũng theo PGS Tín, trong thời gian tới, khi xem xét sửa đổi Luật Di sản, có lẽ cũng cần thay đổi về chế tài. Các nhà làm luật cũng nên nghiên cứu và nên tăng mức độ xử phạt răn đe để có tác dụng phòng ngừa và giáo dục. Theo quy định hiện hành, các mức phạt chỉ phạt hành chính với số tiền cao nhất là 80 triệu đồng, không đáng kể gì với việc phá hủy một di tích, di sản.
Tổng hợp