The Outback là một từ rất Úc, và rất khó dịch. Cả hai vợ chồng tôi tiếng Anh không tệ, thực sự cũng không biết phải chuyển ngữ như thế nào. The Outback (tạm hiểu là vùng sa mạc, nóng, khô đến mức quái dị, và lấp ló những câu chuyện quái dị nằm giữa nước Úc 7,6 triệu cây số vuông). Thì đó, The Outback chính là cái nơi mà chúng tôi vừa đi về, ba ngày thôi, nhưng hốt nhiên tìm ra một cái nước Úc thứ hai, cái nước Úc đã mất kể từ dấu chân đầu tiên mà người châu Âu đặt lên vùng đất này, dùng súng trường tàu đồng để cướp hết tài sản, đất đai và sinh kế của hơn 300 dân tộc thổ dân nước Úc.
Trước chuyến đi này, mỗi lần lái xe trên những con đường cao tốc thẳng tắp và không một bóng nhà, hoặc thư thả nghe tiếng chim dạo bản hợp xướng mùa xuân trong một khu nào đó loanh quanh nhà, lúc nào tôi cũng thường trực một câu hỏi, chả nhẽ từ khởi thuỷ, nước Úc này, mọi thứ đã vào quy củ thế. Ví như, hôm rồi được thầy dẫn đi thực địa môn quản lý bờ biển, tôi mới vỡ lẽ ra, là những bãi biển cát trắng phau phau, phẳng lỳ và không hàng quán, hoá ra là sản phẩm của quy hoạch từ những năm 70 thế kỷ trước nữa. Người châu Âu định cư trên đất Úc, quả thực đã xây dựng cho họ một nơi an cư vô đối về tầm nhìn, phúc lợi và sự tranh thủ tuyệt đối những ban phát của tự nhiên.
Tôi chợt nhớ tới câu nói nổi tiếng của ông Tù trưởng người Sealth, người mà trong lá thư gửi cho Thống đốc bang Washington đã nói “Tự nhiên không thuộc về con người, con người thuộc về tự nhiên...”. Hơn 200 năm lịch sử kể từ ngày hiện hữu ở vùng đất phương nam bí ẩn này của người Âu châu, có cái gì đã bị lãng quên, bị tẩy xoá ... cái gì thực sự là một nước Úc của những chú Kangaroo?
Những câu hỏi đó thôi thúc chúng tôi quyết định dành vài ba ngày trong quỹ thời gian ít ỏi của mình làm một cuộc hành trình đến Flinders Rangers... và rõ ràng, câu trả lời về một nước Úc cổ xưa, bây giờ còn nằm ở đó, vẹn nguyên như lịch sử địa chất 540 triệu năm, hoặc lịch sử văn minh của người thổ dân, 10.000 năm về trước. Flinder Rangers là một rặng núi cực kỳ hùng vĩ (tất nhiên không hiểm trở kiểu núi đá tai mèo ở Việt Nam hay nam Trung Quốc) nằm ở phía bắc thủ phủ Adelaide của Nam Úc, cách Adelaide tầm 400 cây số.
Hẳn nhiên là ở Flinder Rangers ngoài núi non trùng điệp và thú hoang chạy nhảy lung tung khắp cánh đồng ra, thì chỉ còn có dân phượt chính tông, xe hai cầu, trữ đủ xăng, nước và thức ăn cho hành trình nửa tháng và những kinh nghiệm sinh tồn ở một vùng nếu lạc giữa rừng sâu, nửa năm sẽ không có một bóng người. Đó là nói chuyện dân chơi, kiểu Úc.
Còn chúng tôi, bìu ríu theo phụ nữ trẻ em, dĩ nhiên là phải tìm chốn lao xao mà chơi, dám đâu nương mình nơi vắng vẻ.
Đêm ở Flinder Rangers, trời trong vắt tới khó tả, gió thổi nhẹ, qua tàng cây bạch đàn lơ thơ, cả một bầu trời sao vằng vặc hiện ra. Đêm không mây, sao nhiều tới mức cậu em đi cùng phải thốt lên: Trong đời em, chưa bao giờ được thấy nhiều sao như thế. Với tôi, có lẽ so được, phải chăng chỉ là những đêm hè nằm ngoài hiên ngóng gió đã xa xưa lắm, ở quê.
Trong đêm tối đó, tôi kể cho con gái nghe sự tích về Flinder Rangers. Chuyện ngày xửa ngày xưa, khi nước Úc còn vô cùng bằng phẳng, có hai chú Kangaroos cùng sống ở một vùng nọ. Chuyện đám núi được hình thành. 540 triệu năm sau, dãy núi đó được đặt tên theo tên của nhà thám hiểu Mathew Flinders, gọi là Flinder Rangers bây giờ.