Trong thông cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hai bên cho biết số ca mắc sởi đã tăng trở lại sau nhiều năm dịch bệnh này liên tục giảm cho đến năm 2016. Năm 2019, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 869.770 ca mắc sởi - cao nhất kể từ năm 1996. Khoảng 73% tổng số ca nhiễm trong số đó tập trung tại 9 nước CH Trung Phi, CHDC Congo, Gruzia, Kazakhstan, Madagascar, North Macedonia, Samoa, Tonga và Ukraine. Năm 2019, dịch sởi cũng đã cướp đi sinh mạng của 207.500 người, tăng 50% so với tổng số ca tử vong do sởi ở mức thấp kỷ lục năm 2016.
Theo WHO, mặc dù số ca mắc sởi toàn thế giới ở mức thấp trong năm 2020, song những biện pháp cần thiết để khống chế dịch bệnh COVID-19 đã khiến công tác tiêm chủng vaccine ngừa bệnh sởi đã bị gián đoạn, phá hỏng những nỗ lực nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ dịch bùng phát.
WHO đưa ra cảnh báo đỏ về nguy cơ dịch sởi bùng phát khi có hơn 94 triệu người hiện không được tiêm chủng vaccine phòng sởi do các chương trình tiêm chủng tạm dừng ở 26 nước. Hiện chỉ có 8 nước trong số đó có thể tái khởi động các chương trình tiêm chủng phòng sởi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... gặp ở cả trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể gây nhiều biến chứng quan trọng như viêm tai tại giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mặc mắt và đôi khi viêm não sau sởi,... Hầu hết các trường hơp tử vong đều do các biến chứng này.
Theo WHO, trước khi có vaccine ngừa sởi vào năm 1963, dịch bệnh này bùng phát 2, 3 năm 1 lần và mỗi lần cướp đi tính mạng của khoảng 2,6 triệu người.