Đây là lần đầu tiên quốc gia Trung Phi này ghi nhận các ca nhiễm virus Marburg. Theo thông tin từ Bộ Y tế Rwanda, tính đến ngày 30/9, nước này đã ghi nhận 28 ca nhiễm bệnh, trong đó 8 trường hợp đã tử vong và 18 bệnh nhân hiện vẫn đang được điều trị tích cực.
Cuối tuần qua, ngoài việc đã gửi vật tư y tế, Tổ chức Y tế thế giới WHO nói rằng họ đã triển khai thêm một nhóm 7 người là chuyên gia về bệnh xuất huyết đến Rwanda để có thể cung cấp hướng dẫn cho các chuyên gia Y tế công cộng của nước này. Ngoài ra Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 30/9 cũng đã cử các chuyên gia đến để hỗ trợ xét nghiệm và truy vết nguồn lây nhiễm tại những nơi bùng dịch.
“Rwanda có một hệ thống y tế mạnh mẽ, và khả năng ứng phó khẩn cấp các vấn đề về sức khỏe cộng đồng tương đối tốt. Trên cơ sở đó, WHO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền nước này, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết nhằm tăng cường hơn nữa những nỗ lực đang diễn ra”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực Châu Phi, cho biết.
Ngày 29/9, Tiến sĩ Brian Chirombo đại diện của WHO tại Rwanda cho biết ông tin rằng Rwanda có “năng lực và sẽ sớm ngăn chặn đợt bùng phát này một cách nhanh chóng”.
Bộ Y tế Rwanda thông tin rằng người dân được phép tiếp tục các hoạt động hàng ngày, chính phủ nước này đồng thời cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo sợ trước tình hình hiện nay. Giới chức nước này cho biết tất cả các điểm nóng về dịch bệnh hiện đã được xác định và đang tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Marburg là một loại virus xuất hiện tự nhiên ở loài dơi ăn quả, cùng họ với virus Ebola. Virus này có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, có thể mất đến ba tuần để các triệu chứng phát tác. Các chuyên gia cho biết, đây không phải là một loại virus có thể lây lan qua không khí như virus Corona đã gây ra bùng phát dịch COVID-19, chính điều này sẽ giúp việc kiểm soát căn bệnh này dễ dàng hơn.
Bệnh thường bắt đầu với các cơn sốt và hiện tượng phát ban. Ngoài ra, tình trạng nôn mửa, đau đầu dữ dội và đau cơ cũng có thể xuất hiện kèm theo. Trong trường hợp nghiêm trọng, người nhiễm bệnh có thể gặp phải biểu hiện chảy máu từ mũi, nướu và mắt, và xuất huyết bên trong biểu hiện dưới dạng máu và khi mất máu quá nhiều có thể gây sốc, tử vong.
Các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển vaccine và phương pháp điều trị, còn hiện tại, phương pháp chăm sóc hỗ trợ chỉ bao gồm nghỉ ngơi và truyền dịch.