Liên minh Vắc xin Nhân dân (PVA) đã cảnh báo về mối nguy hiểm mà các chủng virus mới gây ra. Theo ước tính hiện tại, đến năm 2024, nhiều nước đang phát triển vẫn chưa thể đạt được mức tiêm chủng cần thiết để chấm dứt đại dịch.
Với một thế giới được kết nối, bất kỳ đợt bùng phát hoặc biến thể mới nào cũng có thể lây lan sang các quốc gia đã hoàn tất việc tiêm chủng. Đột biến mới dễ né tránh kháng thể có được từ tiêm vắc xin. "Thất bại này khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro", Anna Marriott, Giám đốc chính sách y tế tại tổ chức Oxfam, nói.
“Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. Cơ hội tốt nhất của chúng ta để không mắc bệnh là đảm bảo có sẵn vắc xin Covid-19 cho tất cả. Không giải quyết được bất bình đẳng vắc xin toàn cầu đang làm tăng nguy cơ có thêm các đột biến và gây nguy hiểm cho các nước".
Các nhà dịch tễ học cho rằng tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp dễ khiến virus SARS-CoV-2 sinh ra nhiều đột biến hơn. Ước tính đến cuối năm 2021, mới chỉ có 10% người dân ở các nước nghèo được tiêm vắc xin.
Nhiều quốc gia hiện phải chịu đựng những đợt bùng phát tràn lan, với số lượng ca nhiễm mới trên toàn cầu đạt mức cao trong những tuần gần đây - vượt qua 900.000 một ngày. Ấn Độ có hơn 400.000 ca nhiễm mới hàng ngày khi nước này phát hiện ra một chủng đột biến ba. Chỉ vài tuần trước, Brazil ghi nhận gần 100.000 trường hợp mỗi ngày - hiện con số giảm xuống khoảng 30.000. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Virus tiếp tục lây lan ở khắp nước Mỹ và châu Âu dù tổng số bệnh nhân bắt đầu giảm.
Giới chuyên môn cảnh báo việc thiếu khả năng ứng phó với các biến thể virus đang là vấn đề cần được cả thế giới quan tâm. PVA từng nhận định thế hệ vắc xin đầu tiên có thể mất tác dụng vào cuối năm do mức độ đột biến tràn lan. Các chủng mới khiến hệ miễn dịch của cơ thể khó nhận ra hơn. Các kháng thể - protein được tạo ra bởi hệ miễn dịch để chống lại virus - suy giảm khả năng khi chống lại đột biến.
Bà Marriott nói thêm: "Sự gia tăng các ca bệnh ở bất cứ đâu cũng dẫn tới nguy cơ ở khắp mọi nơi. Các chính phủ sẽ thất bại nếu chỉ tập trung tiêm chủng tại nước mình mà không có kế hoạch cấp độ toàn cầu”.
"Số lượng ca nhiễm và tử vong tăng mạnh ở các quốc gia như Brazil, Ấn Độ và Peru rất đáng báo động. Vắc xin là công cụ quan trọng nhất mà chúng ta có để kiểm soát virus và ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh. Nhưng chúng ta sẽ không thể đạt được hiệu quả đó nếu mọi người không tiếp cận được vắc xin”.
PVA đang thúc giục các quốc gia giàu có bỏ quy định về sở hữu trí tuệ để cho phép các công ty trên toàn thế giới sản xuất vắc xin quy mô hàng loạt. Tổ chức này cảnh báo những rào cản hiện tại có thể dẫn đến sự kéo dài của đại dịch vì vắc xin không thể đến nơi đang cần.