'Dân chán cán bộ trau chuốt ngôn từ lắm rồi'
Đại biểu Lê Nam. Ảnh: Dân Việt
Tại nghị trường ngày 28/3, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) nhấn mạnh, nhiều đảng viên tha thiết đề nghị cần có luật về hoạt động của tổ chức Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền. Hay nhân dân rất ủng hộ và theo dõi từng bước đi của Bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng vì hơn lúc nào hết nhân dân khao khát sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
"Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và chau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người Bí thư lăn vào cuộc sống, những Bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng có đủ những ràng buộc, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật, để những hi sinh, cống hiến của họ được đến với nhân dân", ông nói.
Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, vì vậy theo đại biểu Lê Nam, Quốc hội cần coi đó là trách nhiệm của chính Quốc hội trong việc xây dựng Đảng và không nên chỉ chờ đến khi được giao nhiệm vụ thì mới thực hiện.
“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tại nghị trường. Ảnh: Quochoi.vn
Trong ít phút đề cập đến vấn đề biển đảo ngày 1/4, cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).
“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu.
"Người trong sạch không ai chơi, bị coi là quan hệ kém"
Phát biểu tại hội thảo sáng ngày 29/3, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bức xúc về vấn nạn chạy chức chạy quyền:
"Dư luận râm ran có tình trạng chạy chức chạy quyền, hay đó là sự thật? Vì sao người ta thích chạy? Vì sao chạy được? Câu hỏi rất lớn mà trong nhiều nhiệm kỳ qua mà cho đến nay cử tri cả nước vẫn chờ trả hỏi. Tôi cho rằng nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn.
Đại biểu Đỗ Văn Đương. Ảnh: Báo Giao thông
Cuộc đời này còn nhiều cô Tấm trong sáng. Nhưng nước sạch thì không có cá, người trong sạch không ai chơi, bị coi là quan hệ kém. Ở đây có cách nhìn nhận đánh giá về mặt đạo đức cán bộ. Cứ đánh giá nặng về đánh giá chung chung".
"Dừng xe khi có đèn đỏ và không có cảnh sát thì bị gọi là thằng hâm"
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tỏ ra bức xúc cho rằng điều vô cùng nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là một việc rất bình thường.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.
“Thậm chí người chấp hành pháp luật dừng xe khi có đèn đỏ và không có cảnh sát thì bị gọi là thằng hâm. Việc không tuân thủ pháp luật từ những việc đơn giản đã tác động đến ý thức chấp hành pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác”.
Khi nói đến tình trạng này một số người thường nói "dân mình kém ý thức”, tuy nhiên vị đại biểu này lại cho rằng đó không phải là bản chất của người Việt.
"Việc gì cũng phải lót tay, phải có phong bì"
Góp ý về hoạt động của nhiệm kỳ của Quốc hội khoá 13, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) phát biểu, ngoài những nỗi lo về “ngoại xâm” thì còn có những nỗi lo về “nội xâm”, đó là vấn đề tham nhũng - một trong những mối nguy hại cho xã hội:
“Việc gì cũng phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng phải có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn, gắn với tham nhũng làm cản trở sự đi lên của đất nước”.
Đại biểu Võ Thị Dung. Ảnh: Dân Việt
"Chủ tịch nước làm được gì và được làm gì chống tham nhũng?"
Phát biểu tại hội trường sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá cao những điều Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã làm được trong nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, cử tri mong muốn Chủ tịch nước có hình ảnh quy tụ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc như những vị chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta như Bác Hồ, Bác Tôn, đó là những hình ảnh cao quý của khối đại đoàn kết.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn.
Đại biểu nhận xét: Trong nhiều hoạt động chưa thể hiện rõ quyền lực Chủ tịch nước trong đối nội và ngoại, nhất là đối nội. Chủ tịch nước thực hiện quyền lực pháp lý chưa rõ, ví dụ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trạng, chủ tịch hội đồng quốc phòng an ninh chưa rõ. Chức năng trong công bố luật và pháp lệnh chỉ thực hiện khâu cuối, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền xem xét lại luật nếu có điểm chưa đúng.
Đại biểu cũng cho rằng, quan hệ phối hợp giữa Chủ tịch nước với Chính phủ trong việc giải quyết quốc kế dân sinh chưa rõ: “Chủ tịch nước gặp gỡ cử tri luôn thể hiện là người căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ rõ ràng, nhưng cử tri hỏi Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong đấu tranh chống tham nhũng, được làm gì và làm được gì để chống tham nhũng?”.
“Phải có cơ chế giám sát cả cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội”
Về thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, đánh giá, Quốc hội rất có trách nhiệm, giám sát các kỳ họp để chất lượng được nâng cao. Có giám sát như thế thì hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng phải đổi mới, đặc biệt những ĐBQH giữ cương vị trọng trách của đất nước thì qua giám sát của Quốc hội và những lần chất vấn thì họ sẽ dần dần tiến bộ.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, một trong những hoạt động nổi bật của Quốc hội khóa XIII là việc lấy phiếu tín nhiệm. Điều này thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Hoạt động Quốc hội ngày càng dân chủ, thẳng thắn và có trách nhiệm với cử tri hơn. “Chúng ta lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội và nhân dân đồng tình. Như vậy những khóa tới tôi cho rằng cần phải đổi mới hơn nữa giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp đối với những người giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt phải giám sát cả cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”.
Q.M