Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm Công ty Phương Trang, luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Vũ Phi Long đã trình bày: Tháng 5-2010, nhóm Công ty Phương Trang đã đến Ngân hàng Đại Tín để vay tiền đầu tư và phát triển kinh doanh.
Thực tế, trong quá trình làm việc với Đại Tín, ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT) và các nhân viên Công ty Phương Trang chỉ biết bà Phấn là cổ đông lớn nhất và là chủ ngân hàng.
Kết quả điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa, đã cho thấy theo yêu cầu và hướng dẫn của Ngân hàng Đại Tín để vay được tiền, một số nhân viên của Phương Trang phải ký và giao trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và cả chứng từ nhận tiền cho ngân hàng; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ pháp lý bất động sản để thế chấp, bảo đảm cho khoản vay, chiếm đoạt số tiền trên 5.200 tỷ đồng trong tổng số 9.436 tỷ đồng, đã đẩy dư nợ khống cho nhóm Phương Trang.
Từ cuối tháng 2-2012 đến khi vụ án được khởi tố, trước thực tế số tiền giải ngân từ các hợp đồng tín dụng ít hơn rất nhiều so với hồ sơ giải ngân, nhóm Phương Trang đã trực tiếp khiếu nại, phản ánh và yêu cầu bà Phấn và Ngân hàng Đại Tín làm rõ và tiến hành đối chiếu công nợ thực tế.
Khi đã nhận ra các dấu hiệu bà Phấn chỉ đạo các nhân viên ngân hàng và con cháu thực hiện các thủ pháp thu chi cấn trừ nhằm đẩy dư nợ khống cho mình, Phương Trang liên tục làm nhiều đơn tố cáo hành vi của bà Phấn.
Ngày 29-2-2012, Phương Trang có đơn xin cứu giúp khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề cập trong quá trình hoạt động, Công ty Phương Trang có vay vốn tại Đại Tín và dư nợ hiện nay trên danh nghĩa do ngân hàng tự tính cho công ty khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Thời điểm đó, Công ty Phương Trang đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận nhưng phía ngân hàng không thực hiện, do Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp giám sát hoạt động tại Đại Tín nên hoạt động của Phương Trang gặp khó khăn vì ngân hàng hiện đang giữ tài sản thế chấp của Phương Trang trên dưới 15.000 tỷ đồng; lãi suất của Ngân hàng Đại Tín quá cao (vượt quá 20% và tiếp cận con số 32%/năm). Từ đó để có thể tồn tại, Phương Trang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng xem xét và có biện pháp cứu giúp.
“Có hay không quan hệ vay mượn tiền cá nhân giữa ông Nguyễn Hữu Luận, Công ty Phương Trang và bà Phấn?” đây là vấn đề được các luật sư bào chữa cho bà Phấn nêu trong phần bào chữa.
Liên quan vấn đề này, theo luật sư Hoài, vào ngày 3-11-2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có văn bản trả lời CQĐT Bộ Công an, nêu rõ 4 công ty và 4 cá nhân có quan hệ hợp tác với Phương Trang có phát sinh quan hệ tín dụng tại ngân hàng.
Ngân hàng Sài Gòn khẳng định bà Phấn không có liên quan đến việc tất toán các khoản cấp tín dụng của nhóm Phương Trang, cùng các cá nhân có quan hệ hợp tác với Phương Trang có quan hệ phát sinh quan hệ tín dụng tại ngân hàng này từ năm 2010 đến tháng 2-2012.
Liên quan đến 6 giấy nhận tiền nhận 748,2 tỷ đồng từ Bùi Thị Kim Loan (bà Phấn trình bày đây là số tiền Phương Trang còn nợ riêng bà, không liên quan đến số tiền 4.945 tỷ đồng, bà Phấn đã nhận sử dụng), tuy nhiên Phương Trang lại khẳng định 6 giấy biên nhận trên đã nằm trong số tiền 3.936 tỷ đồng Phương Trang đã xác nhận thực nhận trên tổng số tiền Ngân hàng Đại Tín giải ngân 82 khoản vay của Công ty Phương Trang thông qua bà Phấn, vì mỗi khi bà Phấn đại diện ngân hàng giải ngân cho Phương Trang đều yêu cầu Phương Trang viết thêm giấy biên nhận, trong đó có 6 giấy biên nhận trên. Kết luận điều tra và cáo trạng khẳng định, tài liệu điều tra đến nay thấy có cơ sở để đánh giá Phương Trang trình bày như trên là có căn cứ.
Theo luật sư, kết quả thẩm tra công khai tại tòa qua sự thừa nhận hành vi sai phạm của phần lớn các bị cáo đã thực hiện theo chỉ đạo của bà Phấn, sử dụng và chiếm đoạt tiền của ngân hàng Đại Tín, đẩy dư nợ khống cho khách hàng, cho thấy một số nhận định trong các báo cáo, kết luận trước đây của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước về bản chất khoản “nợ xấu” 9.469 tỷ đồng của nhóm Công ty Phương Trang không đúng sự thật.
Công ty Phương Trang thực tế chỉ nhận số tiền 3.936 tỷ đồng trên tổng số dư nợ tín dụng tại Ngân hàng Đại Tín là 9.469 tỷ đồng.
Đánh giá về giá trị pháp lý “chứng cứ mới” mà luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bà Phấn) xuất trình tại phiên toà, luật sư Hoài đồng quan điểm với VKS khi cho rằng chưa thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ bao gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ nên đề nghị HĐXX không chấp nhận.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng Xây Dựng (CB, tên gọi mới của Ngân hàng Đại Tín), được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án, luật sư và người đại diện của ngân hàng này cho rằng.
Về cáo buộc bà Phấn và các đồng phạm hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang 5.256 tỷ đồng, cần phải xem xét lại cáo trạng về tội danh của bà Hứa Thị Phấn.
Vì theo CB, Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay cho phía Công ty Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay. Đến nay, liên quan đến 82 hợp đồng tín dụng này, không có cán bộ, nhân viên nào của ngân hàng này bị kết luận là vi phạm quy định về cho vay.
Theo Công An Nhân Dân