Doanh nghiệp của dân

Là một người dân, tối nay, sau khi vẽ tranh cho con, nghe nhạc, đọc báo chán, tôi cảm thấy mình cần thực hiện nghĩa vụ cao cả của một cử tri. Quốc hội đang bàn về các doanh nghiệp nhà nước. Vậy thì tôi đi tìm thông tin về doanh nghiệp nhà nước. Đó là các doanh nghiệp do-tôi-sở-hữu. Doanh nghiệp đó là của dân.
Nhà báo Đức Hoàng
Nhà báo Đức Hoàng

Là một người dân, tôi hăng hái truy cập vào website của những doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư thua lỗ ở nước ngoài, những doanh nghiệp có vấn đề trong định giá tài sản, những doanh nghiệp đang đấu thầu các dự án quan trọng của nhà nước. Tôi hy vọng sẽ tìm thấy điều gì đó có nghĩa lý. Dẫu sao thì “chỉ có dân và nhà báo tố tham nhũng”, như phó viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nói cách đây vài năm khi bàn về cơ chế phát hiện tham nhũng nội bộ.

Là một người dân, đầu tiên tôi cảm thấy vui vẻ, vì website của doanh nghiệp nhà nước dạo này thiết kế rất bắt mắt. Các chương trình khuyến mại, giảm giá và các công nghệ mới được trình diễn long lanh, phản ánh nỗ lực chinh phạt thị trường đầy quyết tâm.

Nhưng tôi không vào xem chương trình khuyến mãi. Tôi vào để tìm thông tin về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, tình hình lương thưởng, chiến lược, cơ cấu quản trị của doanh nghiệp. Vì đó là doanh nghiệp của-tôi. Và từ vài năm trước, chính phủ đã ban hành nghị định 81/2015 yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công bố tất cả những thông tin đó trên cổng thông tin điện tử của mình.

Nghị định 81 tạo một hành lang pháp lý quan trọng để giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Ngoại trừ các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia và bí mật kinh tế, thì người dân phải được đọc các thông tin liên quan đến hiện trạng kinh doanh của doanh nghiệp một cách trực tiếp và rõ ràng, ngay trên website của các tập đoàn và công ty này. Dân sẽ biết, dân sẽ bàn, dân sẽ kiểm tra. Nếu dân được cung cấp thông tin đúng pháp luật.

Nhưng nghị định 81 đang dần trở thành một trong những văn bản pháp lý bị hắt hủi công khai nhất tại Việt Nam. Đã vài năm kể từ khi nó ra đời, có rất ít doanh nghiệp nhà nước nhớ rằng họ có một trách nhiệm phải chấp hành, là công bố thông tin.

Nói một cách mạch lạc, đó là hoạt cảnh khi bạn vào website của một doanh nghiệp do mình sở hữu và phát hiện ra mình không biết gì về hoạt động của chúng. Tôi, có số thẻ cử tri và số hộ chiếu của Việt Nam, mang tư cách rõ ràng là ông chủ của các doanh nghiệp này, chợt nhận ra rằng mình chỉ có thể đứng ngoài quan sát một cách ngờ nghệch.

Ý niệm về sự sở hữu tan biến. Nếu có một lời khuyên dành cho sự tự tôn của các độc giả hôm nay, tôi khuyên bạn đừng vào website của các doanh nghiệp nhà nước. Cho dù đó có là doanh nghiệp đang đầu tư thua lỗ, cho dù đó có là những cái tên đang được nêu lên ở báo cáo trước Quốc hội, cho dù hôm nay các dân biểu của chúng ta đang bàn luận căng thẳng về việc sử dụng và đầu tư tài sản công, thì cũng đừng nên tự tìm hiểu.

Còn nếu bạn nghĩ rằng đó là việc của mình, là doanh nghiệp của mình, cái bạn nhận về sẽ chỉ là một sự tự ái: những người đứng đầu các doanh nghiệp ấy không có ý định để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Với việc thiếu vắng đi công cụ giám sát cơ bản nhất là thông tin, thì “quyền làm chủ” nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự thuộc về người dân. Nếu có vấn đề gì được phát hiện, nó sẽ phải được phát hiện bởi Kiểm toán hoặc Thanh tra nhà nước. Họ sẽ vào tận trụ sở của doanh nghiệp lấy kết quả kinh doanh. Tôi thì không được vào: bảo vệ sẽ hất hàm chặn ở cửa.

Và cùng với sự ngoài cuộc phũ phàng ấy, cảm quan về tư cách công dân – người làm chủ của tôi bất giác bị sứt mẻ.

Ngày mai, nếu ban quản lý tòa nhà tôi đang ở tự định giá căn hộ tôi đang đứng tên, bán nó đi, rồi đưa lại cho tôi 100 triệu đồng, tôi sẽ cố gắng kiềm chế. Tôi sẽ cầm tiền, mỉm cười và cảm ơn. Tôi có thể sẽ đề nghị khen tặng huân chương cho ban quản lý. Vì nếu nhìn vào những gì đã bị phát hiện ở các doanh nghiệp nhà nước, thì chuyện như thế với tài sản của tôi, ở quy mô lớn hơn hàng nghìn lần, vẫn đang diễn ra. Và tôi chỉ có thể trông vào hiệu quả của cuộc kiểm tra nội bộ của hệ thống công quyền, chứ không tài nào tự giám sát.

Tôi sẽ phải học cách chấp nhận rằng “quyền làm chủ” của mình là một thứ rủi may.

Theo Vnexpress
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.