Đuối nước là hiện tượng khí quản của người lớn hay trẻ nhỏ bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong (chết đuối) hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết trẻ nhỏ và học sinh là đối tượng dễ bị đuối nước nhất, đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng đuối nước đáng báo động, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì 10-15 tuổi, độ tuổi thích tự đi bơi cùng bạn bè.
Đuối nước do rất nhiều nguyên nhân như: ngã xuống nước, do tắm sông, biển, suối và bị nước cuốn không biết bơi, bị chuột rút, lật đò, xuồng, tàu, thậm chí do cứu người chết đuối và cũng bị chết đuối do kiệt sức.
Khi con bất ngờ ngã xuống nước:
Khi bị đuối nước, hãy dạy con, càng cố gắng vùng vẫy bao nhiêu thì nguy cơ bị ngạt nước và chìm xuống càng nhiều bấy nhiêu.
Nếu con không biết bơi khi bị rơi xuống nước thường rất hay bị hoảng hốt, mất bình tĩnh, không biết xử lý thế nào, từ đó sẽ cố gắng vùng vẫy với hy vọng thoát ra. Điều này vô cùng sai lầm. Những người không biết bơi khi bị tai nạn dưới nước cần phải hết sức bình tĩnh hoặc nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để xử lý tình huống. Cơ thể con người có đến 70% cơ thể là nước, vì thế nếu con nín thở thì cơ thể sẽ nổi lên, khi nổi lên rồi lúc đó sẽ hít thở mạnh để lấy hơi và gọi sự trợ giúp từ xung quanh. Một điều nữa cũng cần đặc biệt lưu ý, khi bị tai nạn dưới nước không nên cố gắng vùng vẫy loạn xạ, vì như vậy chỉ làm cho cơ thể nhanh mất sức và chìm xuống.
Nếu con đã biết bơi, bất ngờ gặp nạn ở những vùng nước sâu, việc đầu tiên cũng là phải bình bĩnh đứng nước giúp cơ thể thăng bằng, từ đó có thể dùng phương pháp bơi ngửa (ngửa mặt lên) để đỡ mất sức, và tranh thủ hô hào người xung quanh đến cứu, còn nếu gần bờ thì có thể tự bơi vào bờ. Một trong số những tai nạn hay gặp dẫn đến việc tử vong ở người đã biết bơi đó là bị chuột rút. Về vấn đề này, nhiều HLV dạy bơi cho rằng, nhiều người bị chuột rút cố gắng làm mọi cách để thoát ra khỏi tình trạng đó. Nhưng việc làm đó càng khiến tình trạng chuột rút nặng nề hơn. Khi bị chuột rút, nạn nhân tốt nhất sử dụng phương pháp bơi ngửa và thả lỏng người để đỡ mất sức, sau 1 thời gian thả lỏng cơ thể tình trạng chuột rút sẽ được cải thiện.
Khi con gặp người bị đuối nước:
Nếu con không biết bơi, tuyệt đối không được nhảy xuống cứu người. Thay vào đó, hãy dạy con
1. La thật to để nhiều người biết và đến cứu.
2. Ném dây, phao, can nhựa, thùng nhựa, chai nước suối, thùng dầu ăn… cho nạn nhân nắm lấy rồi tìm cách kéo nạn nhân vào bờ.
3. Nếu có nhiều người, hãy giăng một hàng người nắm tay để kéo nạn nhân vào bờ.
4.Nếu có thuyền, chèo thuyền đến chỗ nạn nhân, ghé mạn thuyền cho nạn nhân bám vào, cũng có thể đưa tay hoặc mái chèo ra cho nạn nhân nắm lấy, hoặc trong trường hợp khẩn thiết, buộc dây bám vào người và nhảy xuống nước và dìu nạn nhân lên thuyền.
5. Khi túm được nạn nhân dưới nước, hãy nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát 2-3 cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ và cần tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi nếu cần thiết.
Cấp cứu người đuối nước khi đã lên bờ:
Đuối nước sau khi đã lên bờ là hoàn toàn có thật, và tình huống đó được các chuyên gia gọi là “chết đuối trên cạn” hay “chết đuối thứ cấp”. Vì thế, khi gặp bạn bè bị đuối nước, con cần gọi người lớn hoặc bình tĩnh, xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
Nạn nhân trong tình trạng còn tỉnh, có cảm giác ớn lạnh, khó chịu, co thắt ngực, bụng, buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu, mạch nhanh, có thể có nổi mề đay nhưng nạn nhân tự thở được, mạch quay bắt được, mạch bẹn rõ. Đối với những trường hợp này, cần lau khô, thay quần áo, ủ ấm cho nạn nhân nếu lạnh, cho nạn nhân uống nước đường ấm và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được điều trị tiếp.
Nạn nhân trong tình trạng đã bất tỉnh, da tím tái, ngừng thở, ngừng tim biểu hiện bằng mất mạch bẹn. Ngay lập tức, cần khai thông đường hô hấp: đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, ưỡn cổ ra sau, móc hết đờm nhớt, dị vật trong miệng bằng gạc hay khăn vải; hô hấp nhân tạo kiểu miệng-miệng hoặc miệng-mũi, thổi 2 lần liên tiếp, để lồng ngực tự xẹp và thổi tiếp lần thứ hai, sau đó thổi theo nhịp cứ 4 giây/lần cho đến khi nạn nhân thở lại đều; nếu có ngừng tim, phải tiến hành đồng thời ép tim ngoài lồng ngực (kỹ thuật hồi sinh tim phổi) theo cách ấn tim ngay sau thổi ngạt, tỷ lệ là 5/1 (đối với trẻ em), 15/1 (đối với người lớn).
Cách thực hiện là dùng tay ấn vào vùng nửa dưới của xương ức một cách đều đặn. Thực hiện kiên trì cho đến khi tim đập lại và hô hấp trở lại hoặc kíp cấp cứu đến; chỉ vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế khi tim đã đập lại và tự thở nhưng trong quá trình này vẫn phải cấp cứu, giữ ấm và theo dõi sát tình trạng của nạn nhân.
Trong quá trình cứu nạn nhân đuối nước cần lưu ý: không nên cố tìm cách dốc nạn nhân để nôn hết nước ra bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc hồi sức cấp cứu tim phổi do chỉ cần chậm trễ 4 phút là não có nguy cơ bị chết. Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước mà nạn nhân nuốt khi đuối sẽ tự động thoát ra ngoài. Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh tay vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân.