Người nghèo ở phố

(Ngày Nay) - Dịch bệnh khiến người ta phải quay về với những giá trị cơ bản và hướng nội. Mặt khác, nó kéo trái tim con người lại gần nhau hơn, dù họ buộc phải giãn cách về mặt vật lý. Tuy nhiên, hiểu và thông cảm cho nhau, luôn là một quá trình đòi hỏi thời gian, mà quan trọng là gạt đi những định kiến.
Ảnh: Phạm Đức Long
Ảnh: Phạm Đức Long

Đêm qua tôi đọc được một dòng tít trên báo, trong đó có dùng cụm từ “những kẻ giàu sang vô liêm sỉ” để chỉ những người “bộ dạng có điều kiện” đến nhận nhu yếu phẩm được phát miễn phí cho người khó khăn ở Hà Nội.

“Bộ dạng có điều kiện”, theo cảm quan của phóng viên, là dựa trên mấy đặc điểm:
- Đi xe tay ga
- Ăn mặc sành điệu
- Dân sống ở chung cư.

Nghe có vẻ đúng. Thế là phóng viên chĩa thẳng máy ảnh vào mặt “những kẻ có điều kiện nhưng vô liêm sỉ”, khiến họ ngại ngùng quay xe đi vội (cả chi tiết quay xe đi vội này cũng do phóng viên hỉ hả chú thích dưới ảnh).

Người nghèo ở phố ảnh 1

Một người nhận đồ phát chẩn quay xe giấu mặt khi thấy phóng viên giơ máy ảnh
Ảnh: VOV

Phóng viên, và cả những người đi phát đồ miễn phí đều có chung thắc mắc: Những người như thế (ý là không khó khăn), mà lại đi nhận đồ phát chẩn chẳng đáng là bao để làm gì?

Ấy nhưng, một câu hỏi rất rõ ràng ở chiều ngược lại thì không được đặt ra: Nếu với họ số đồ phát chẩn ấy chẳng đáng là bao thật, thì họ “mặt dày” đến nhận làm gì?

Theo chuẩn nghèo áp dụng đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ LĐTB&XH ban hành, thì hộ nghèo ở thành thị có thu nhập bình quân đầu người/ tháng từ 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng. Được xây dựng từ năm 2015, quy định này là quá thấp và chiểu theo đó, thì rất khó có hộ nghèo ở thành thị. Kiếm 30.000 đồng/ ngày ở thành thị là hoàn toàn không khó, nhưng hàng tháng sống bằng 1.300.000, thậm chí là gấp đôi như thế, thì gần như bất khả thi.

Nghĩa là gì? Ở thành thị, rất khó để “đạt chuẩn hộ nghèo”, nhưng cũng không hề dễ để trụ vững cho một cuộc sống có tích lũy, sao cho cái thang bậc của bản thân trên tháp nhu cầu Maslow vượt khỏi cái đáy của thể lý.

Người nghèo ở phố ảnh 2

Một cái bếp điển hình ở Hà Nội, mọi thứ đều được treo lên để tận dụng không gian
Ảnh: Elle

Hàng xóm của người nhà tôi, sống ngay giữa Thủ đô Hà Nội, có 4 cô con gái. Bốn nàng Tố Nga sàn sàn năm một, học hành tầm tầm, làm những việc tầm tầm, tóm lại đều trông vào nồi bún thang của bà mẹ bán vỉa hè đầu phố. Thu nhập bình quân đầu người tất nhiên vượt chuẩn nghèo áp cho thị dân, kể cả cộng thêm bổ đầu ông bố quanh năm chỉ tập trung lương hưu cho việc đánh đề và mấy đứa cháu lít nhít liên tục phát sinh thêm.

Nhưng họ không cách nào có tích lũy. Bởi thế, mỗi khi đại gia đình ấy có một biến cố cần hơi nhiều tiền, như là ai đó đi viện, như là một đứa bé mới sinh… thì bà mẹ lại chạy vòng quanh xóm vay từng trăm nghìn bạc để đi chợ. Một đứa cháu của bà, năm nay đã 6-7 tuổi, nhưng gần như chưa bao giờ được biết đến sữa bột mà chỉ toàn uống sữa tươi trong hộp giấy (loại bán lẻ mấy nghìn 1 hộp).

Đấy có phải là nghèo không?

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, để đánh giá diện hộ nghèo, ngoài thu nhập thì còn phải xét đến các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Có 10 chỉ số, gồm: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường này, thì cũng tính là hộ nghèo.

Vậy thì xin khẳng định, có vô số hộ gia đình ở Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, không thể đáp ứng các chỉ số về chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; hố xí/ nhà tiêu hợp vệ sinh và thậm chí là nguồn nước sinh hoạt.

Người nghèo ở phố ảnh 3

Một buổi sáng thường thấy ở phố cổ, ngoài đồng hồ nước riêng thì mọi thứ đều chung
Ảnh: Elle

Có rất nhiều số nhà ở phố cổ Hà Nội, bước vào bên trong là cả chục hộ gia đình. Họ chia nhau 1 không gian siêu nhỏ hẹp, mà cách duy nhất để thích ứng với nó là bạn sinh ra ở đấy, rồi lớn lên dần dần. Mấy chục con người chia nhau 1 khoảng sân chung rộng hơn cái chiếu 1 chút, cho mọi nhu cầu rửa ráy, cơm nước. Kinh khủng hơn, họ chia nhau 1 cái cầu tiêu kiểu “xí xổm” cuối ngõ, sát sạt thời gian đến mức, nếu ai đó dậy trễ chỉ 10 phút thôi, thì sẽ phải bấm bụng ôm một cái bàng quang đầy nước tiểu đến chỗ làm mà xả.

Đấy có phải là nghèo không?

Những khu tập thể ngay giữa lòng Hà Nội (mà nay dựa hơi, được gọi cho sang là “chung cư”), có tuổi đời cả nửa thế kỷ, xập xệ và chen chúc. Ở đó, thị dân sống như những ngôi làng nghèo túng, Họ tằn tiện mua thực phẩm ở những chợ cóc do nông dân chuyển đến sáng sớm hoặc chiều muộn. Họ đun nấu bằng bếp than tổ ong, ăn sáng với mỳ tôm chan cơm nguội, và giải trí bằng cách triệt để sử dụng các thiết bị thể dục công cộng được thành phố trang bị dưới các mảnh sân chung.

Người nghèo ở phố ảnh 4

Quang cảnh thường thấy ở các khu nhà tập thể cũ 
Ảnh: Elle

Nếu đâu đó còn giữ được lề thói “tam, tứ đại đồng đường” ở Thủ đô, thì chắc phần lớn là ở các khu tập thể cũ. Như là Thành Công, Trung Tự, Nghĩa Tân, Kim Liên, Giảng Võ… Những cán bộ nhà nước được phân nhà, rồi ở đó sinh con đẻ cháu, chen chúc trong các căn hộ đã được chia 5 xẻ 7, và an lão bằng lương hưu.

Để tồn tại được, họ phải luyện nếp căn cơ. Một đời căn cơ.

Mà đó là chưa đề cập đến những thị dân mới – những người di cư từ nơi khác đến, vật vã mưu sinh. Và để được vào cuộc mưu sinh, chí ít họ phải có được 1 chiếc xe máy, đôi bộ quần áo bảnh bao. Dù rằng chỗ ở của họ có thể chỉ là một tấm đệm mỏng trong một căn chung cư mini vài mét vuông, giá cho thuê vừa túi tiền.

Chiều qua tôi tình cờ gặp cậu em đồng nghiệp cũ. Học xong cao đẳng, suốt mấy năm trời cậu thanh niên lăn như quả trứng hết công ty này đến cơ quan khác, rốt cuộc lương vẫn không quá 4-5 triệu bạc. Bây giờ cậu ngồi nhà, làm dịch thuật cho 1 website nước ngoài, lương khoảng 7 triệu, là ổn. Nhưng đó là 1 website về du lịch, và đại dịch Corona khiến cậu em tôi vào diện nhân công bị sa thải đầu tiên. Cậu xoay sang đi bán đồ online, đúng nhu cầu của xã hội, hiện đang kiếm cũng được. Nhưng đấy có phải là nghèo không?

Người nghèo ở phố ảnh 5

Đấy có phải là nghèo không?
Ảnh: Elle

Quay trở lại với khẩu hiệu của nhiều điểm phát tặng nhu yếu phẩm mùa dịch này: “Nếu bạn khó khăn, xin cứ lấy dùng. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Đó là một khẩu hiệu rất hay, sáng tạo và nhân văn. 

Trong những gói quà có gì? Đôi gói mỳ tôm, vài quả trứng, mấy thanh xúc xích ăn liền. Hoặc sang hơn thì cân gạo, chai nước mắm, chai xì dầu… Quy ra tiền thì nhỏ, nhưng nó thực sự thiết thực, và vì thiết thực nên món quà thật ấm áp.

Vậy nên, nếu có ai đó trông “bộ dạng có điều kiện” lại ghé nhận quà phát chẩn, hãy tin là họ thực sự khó khăn. Bởi vì ngay cả nếu họ không khó khăn đến mức cần gói mỳ hay cân gạo, thì rất có thể họ cần một chút hơi ấm sẻ chia giữa những con người.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.