Chiều ngày 08/12, triển lãm nghệ thuật “Dòng chảy kết nối” của Khoa Các khoa học liên ngành đã khai mạc tại cơ sở Hòa Lạc, ĐHQGHN. Triển lãm là một trong những mốc son đánh dấu chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định thành lập ĐHQGHN 1993-2023, đồng thời hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày ký quyết thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương 1924-2024, mảnh ghép cuối cùng trong hệ sinh thái đa ngành của các trường thuộc Đại học Đông Dương xưa và cũng là mảnh ghép còn thiếu trong cơ cấu đa ngành của ĐHQGHN sau 30 năm phát triển.
Phát biểu tại triển lãm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành nhấn mạnh: "Gửi gắm qua tên gọi 'Dòng chảy kết nối', triển lãm nghệ thuật là sự khởi đầu cho những kết nối và hội tụ, góp phần tạo nên không gian giáo dục sáng tạo và nghệ thuật liên ngành tại ĐHQGHN. Đó là sự kết nối của những chuyên gia, nghệ sĩ, người đào tạo nghệ thuật đầy nhiệt huyết từ nhiều môi trường giáo dục đa dạng... sự kết nối giữa nhiều lĩnh vực sáng tạo: mỹ thuật, kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng; nhằm hướng tới một triết lý sáng tạo nghệ thuật có khả năng kết hợp giữa giá trị thẩm mỹ hàn lâm và năng lực ứng dụng hiện đại".
Quang cảnh buổi triển lãm tại cơ sở Hòa Lạc, ĐHQGHN. |
Theo đó, lấy ý tưởng kết nối với dòng chảy lịch sử từ Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương, ra đời vào đầu thế kỷ XX, triển lãm nghệ thuật này đánh dấu sự hồi sinh của truyền thống giáo dục khai phóng và liên ngành về nghệ thuật trong ĐHQGHN. Ba chương trình đào tạo chính của Trường Mỹ thuật Đông Dương với tầm nhìn đa ngành, trong các Ban mỹ thuật, Ban kiến trúc và Ban nghệ thuật ứng dụng đã được nối tiếp với đội ngũ các giảng viên/nghệ sĩ đến từ Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN trong 3 lĩnh vực: nghệ thuật thị giác, thiết kế sáng tạo, kiến trúc và thiết kế cảnh quan.
"Dòng chảy kết nối" là dòng chảy mang theo sự khao khát của các giảng viên/nghệ sĩ của Khoa CKHLN, cùng nhau dệt nên một câu chuyện kỳ diệu về sự hồi sinh – kết nối di sản trong nhịp đập của nghệ thuật đương đại. Đó cũng là sự tôn vinh tính liên ngành cũng như mối liên hệ không thể tách rời giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa mỹ thuật hàn lâm và mỹ thuật ứng dụng.
Nói về điểm độc đáo, khác biệt của triển lãm "Dòng chảy kết nối", họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN chia sẻ đây là triển lãm đầu tiên được thực hiện trong trường đại học nhưng có giám tuyển, có một ý tưởng tổng thế. Không dừng lại ở chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, điêu khắc, tranh in, thư pháp… triển lãm còn hội tụ những chất liệu đa phương tiện như nhiếp ảnh, nhiếp ảnh phù điêu, video art, sắp đặt…
Tại triển lãm, các chất liệu còn có sự bình đẳng, góp chung tiếng nói với nhau để tạo ra sự đa dạng của nghệ thuật. Điều quan trọng nhất là các tác phẩm tại "Dòng chảy kết nối" đã tương tác với không gian trưng bày, đây là điều ít thấy tại các triển lãm trong khuôn khổ những ngôi trường đào tạo nghệ thuật.
Bên cạnh giá trị thưởng lãm, triển lãm "Dòng chảy kết nối" còn cho thấy mối liên kết giữa tính nghệ thuật và hàn lâm khi giúp giảng viên, sinh viên trong trường mường tượng mô hình, quy mô làm việc của một triển lãm có ý tưởng, với những tiêu chuẩn về trưng bày, có yếu tố đi kèm như truyền thông, catalogue... không thuần túy là một sự kiện tổng kết, tập trung nghệ sĩ lại như thường thấy.
Các giảng viên tại Khoa Các khoa học liên ngành cũng cho thấy họ là những người thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo của mình. Đây là yếu tố quan trọng để tạo nên nền giáo dục chất lượng cao khi những người tham gia trong bộ máy phải là những người gần gũi với thực tế, không chỉ là những người chuyên đi dạy. Có thể nói, triển lãm "Dòng chảy kết nối" là cơ hội định hướng cho sinh viên ngành Thiết kế sáng tạo của ĐHQGHN có thể nhìn thấy hướng đi, tiềm năng phát triển qua các khía cạnh thực hành nghệ thuật trong tương lai.
"Dù mới tuyển sinh năm đầu tiên ngành Thiết kế sáng tạo, nhưng chúng tôi nhận thấy không khí nghệ thuật sôi nổi không chỉ có ở sinh viên nghệ thuật, mà còn lan tỏa khắp các ngành khác trong Khoa. Đối với sinh viên, những hoạt động nghệ thuật này mang ý nghĩa rất lớn để các em nhận thức năng lực, chuyên môn của đội ngũ giảng viên, những người đang trực tiếp truyền dạy trên giảng đường. Cùng với đó, việc tạo ra ý thức gần gũi với nghệ thuật, được tham gia vào nghệ thuật cũng thúc đẩy, truyền cảm hứng cho các em trong quá trình học tập. Đặc biệt, giữa không khí phát động tinh thần sáng tạo sôi nổi đang lan tỏa khắp Thủ đô, 'Dòng chảy kết nối' sẽ trở thành một hoạt động cộng hưởng đầy ý nghĩa", PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Tổ trưởng tổ bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN.
Nhận định về định hướng đưa thiết kế sáng tạo vào hoạt động của Khoa Các Khoa học liên ngành nói riêng cũng như ĐHQGHN nói chung, GS.TS Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN cho biết: "Trong định hướng phát triển của ĐHQGHN, đặc biệt gắn với cơ sở Hòa Lạc, chúng tôi đặt mục tiêu đây sẽ trở thành trung tâm về văn hóa, nghệ thuật và đổi mới sáng tạo. Đối với nền kinh tế của Việt Nam, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tiềm năng những chưa phát huy hết vai trò. Chính vì vậy, ĐHQGHN xác định trong thời gian tới tập trung phát triển Khoa Các khoa học liên ngành thành Trường Các khoa học liên ngành và nghệ thuật. Nơi đây sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến công nghiệp văn hóa, giúp đẩy mạnh giá trị, bản sắc, gắn đào tạo với thực hành của ĐHQGHN".
Triển lãm "Dòng chảy kết nối" dự kiến diễn ra từ ngày 8/12 đến ngày 28/12/2023 tại Tầng 1, Hội trường HT2, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội
Lịch trình sự kiện:
Khai mạc: 14h00 thứ 6 ngày 8/12/2023
Triển lãm “Dòng chảy kết nối”: từ 14h00 thứ 6 ngày 8/12/2023 đến 28/12/2023
Tọa đàm “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình”: 14h00 thứ 4 ngày 13/12/2023
Bế mạc: 28/12/2023