Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên thế giới cũng như những đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế đất nước khiến nhiều quốc gia nhận thức một cách đầy đủ hơn về vai trò của thiết kế sáng tạo như là một thành tố cốt lõi của kinh tế sáng tạo. Đây được coi là nguồn lực chính cho sự đổi mới mềm, là lực đẩy cho phát triển kinh tế, nâng cao định hướng thẩm mỹ, tăng sức cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.
Với việc ra mắt chương trình đào tạo cử nhân Thiết kế sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành đã góp phần đưa ĐHQGHN trở thành một trung tâm nghệ thuật và sáng tạo, dẫn dắt những xu hướng tiên phong ở Việt Nam và trong khu vực, chia sẻ giá trị cộng đồng, hỗ trợ tư vấn, chuyển giao tri thức cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng mục tiêu trước hết và quan trọng hơn cả đối với việc xây dựng chương trình đào tạo này đó là phần nào đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực về các lĩnh vực sáng tạo nghê thuật.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt chương trình Cử nhân Thiết kế sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành khẳng định chương trình là quả ngọt sau một quá trình lao động liên tục, lâu dài từ việc xây dựng ý tưởng, hệ thống hóa chương trình cho đến thực hiện triển khai viết đề cương môn học của một tập thể các nhà khoa học là cán bộ giảng viên của Khoa.
"Sự tham gia đông đảo của nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đào tạo nghệ thuật sáng tạo ở Hà Nội đã hỗ trợ chúng tôi xây dựng một chương trình đào tạo với những triết lý mới, khai phóng và phù hợp hơn với nhu cầu xã hội", ông Hiệu nhấn mạnh.
Trong khoảng vài thập kỷ vừa qua, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đã tổ chức các chương trình đào tạo bậc cử nhân nhằm phát triển các tư duy sáng tạo, đặc biệt là tư duy thiết kế. Tại Việt Nam, các ngành thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất đều là những lĩnh vực có lợi nhuận cao và được dự báo không ngừng tăng trưởng trong thời gian tới.
Dù vậy, việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao ở lĩnh vực này đang đứng trước những thách thức lớn khi chỉ có một số trường đại học, với chương trình đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học về lĩnh vực này trong khi hầu hết các chương trình đào tạo mới chủ yếu chú trọng phát triển kỹ năng mang nặng tính thực hành nghề, chưa thực sự tạo ra sự sáng tạo và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
PGS. TS Phạm Quỳnh Phương phát biểu tạo sự kiện ra mắt chương trình đào tạo mới. |
Để tìm ra lời giải cho vấn đề trên, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cho biết chương trình Cử nhân Thiết kế sáng tạo, với ba chuyên ngành Đồ họa công nghệ số, Thời trang sáng tạo, Nội thất bền vững được xây dựng dựa trên những nhận thức, quan điểm và triết lý về giáo dục lấy người học làm trung tâm, gắn với tính chất liên ngành, tính quốc tế hóa và đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Ngành học hướng đến việc đào tạo sinh viên ngành thiết kế sáng tạo có tư duy sáng tạo theo hướng phát triển bền vững, có chiều sâu, có tính trách nhiệm xã hội, tính nhân văn, có sự nhạy bén về kinh doanh, cũng như năng lực ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số. Những kiến thức này, lại có thể được tinh gọn lại trong 4 năm, giúp sinh viên có thể nhanh chóng tham gia thị trường lao động đầy tính cạnh tranh.
"Các chương trình của chúng tôi tích hợp kiến thức liên ngành tập trung vào việc phát triển năng lực toàn diện cho sinh viên để đầu ra có tính cạnh tranh cao và bắt kịp những xu hướng tiên phong trên thế giới. Bên cạnh đó, Khoa đã ký kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức lớn, tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm thực tiễn, có cơ hội tuyển dụng sau khi tốt nghiệp", bà Phương thông tin.
Năng động, sáng tạo, bắt nhịp với xu thế thời đại qua cách tiếp cận liên ngành là một trong những đặc điểm nổi trội của sinh viên Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN. |
Nhận xét về chương trình, ông Lê Trần Vũ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da giày nhận định chương trình Cử nhân Thiết kế sáng tạo sẽ đóng góp nguồn lao động có năng lực, giàu tính sáng tạo cho ngành da giầy Việt Nam nói riêng và ngành kinh tế phụ thuộc nền tảng công nghiệp sáng tạo nói chung.
"Hiện tại, ngành da giầy Việt Nam tuy đã xuất hiện trên bản đồ trong khu vực tuy nhiên vẫn còn chưa đạt được vị trí xứng tầm. Chúng tôi hy vọng các em sinh viên đến từ Khoa Các khoa học liên ngành sẽ trở thành những nhân tố tích cực cho công cuộc chuyển đổi của toàn ngành da giầy trong tương lai", ông Vũ Anh nói.
Trong tư cách của người thẩm định và phản biện chương trình, TS Trần Hậu Yên Thế chỉ ra qua 3 khía cạnh ưu biệt của chương trình với tính truyền thống được thể hiện ở khung kiến thức có hệ thống về văn hóa dân tộc, khi Khoa Các khoa học liên ngành là đơn vị đào tạo hàng đầu trong cả nước về Di sản học. Bên cạnh đó, chương trình Thiết kế sáng tạo mang tính khoa học hơn khi được tích hợp với các thế mạnh của các trường thành viên của ĐHQGHN. Cuối cùng, mặt đại chúng của chương trình học được thể hiện bởi gắn với cả đời sống thực tế khi Khoa thúc đẩy hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
"Trở lại Đề cương văn hóa với ba nguyên tắc vận động của văn hóa là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; sẽ thấy định hướng của ngành học đi ra từ một nền tảng chắc bền được kiểm chứng qua nhiều thập kỷ, đồng thời cũng phù hợp với đường lối văn hóa của Việt Nam hiện tại khi toàn bộ hệ thống chính trị đang hướng tới nền công nghiệp sáng tạo", TS. Thế nhận định.
Khoa Các khoa học liên ngành là một trong 12 đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHQGHN. Với hơn 20 năm đào tạo, nghiên cứu những chương trình khoa học có tính liên ngành, sáng tạo và nghệ thuật. Trên chặng đường phát triển và duy trì vị thế tiên phong đổi mới, Khoa Các khoa học liên ngành vinh dự là đơn vị được lựa chọn, giao nhiệm vụ đào tạo nghệ thuật, mảnh ghép còn thiếu cuối cùng cho định hướng đào tạo toàn diện của ĐHQGHN.