Theo đó, với định hướng trở thành trung tâm phát triển trong lĩnh vực liên ngành và sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐHQGHN) tiếp tục ra mắt chương trình đào tạo tiến sĩ Di sản học sau chương trình đào tạo thạc sĩ và cử nhân Quản trị tài nguyên di sản. Đây là chương trình tiến sĩ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam mang định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành di sản với đầu ra là các nhà nghiên cứu, cán bộ chuyên môn theo khuynh hướng khoa học chuyên nghiệp.
Triết lý của Chương trình đào tạo tiến sĩ Di sản học của Khoa tập trung vào quản trị, bảo vệ, phát huy, các giá trị di sản; kiến tạo di sản cho hiện tại và tương lai thông qua tiếp cận liên ngành, nêu bật sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng để đạt được sự phát triển bền vững.
Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS.TS.Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành nhấn mạnh Chương trình đào tạo tiến sĩ Di sản học của Khoa là chương trình sử dụng cách tiếp cận liên ngành để khám phá các mối quan hệ qua lại giữa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, địa lý, môi trường và thiên nhiên, kinh tế xã hội... với đối tượng các khu vực, không gian di sản tại Việt Nam. Việc cung cấp nhận thức, lý thuyết và kiến thức thực tế, cập nhật trên thế giới tới các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu sẽ góp phần hoàn thiện quá trình nhận diện, đánh giá, bảo vệ, phát huy, quản lý, ứng dụng và quảng bá các nguồn tài nguyên di sản.
Điểm tạo nên sự khác biệt của chương trình này cũng có thể kể đến sự tiếp cận bằng góc nhìn sáng tạo, liên ngành, điều đã sớm trở thành giá trị riêng trong những chương trình đào tạo của Khoa. Hầu hết các chương trình đào tạo của Khoa Các khoa học liên ngành hiện tại như Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Quản trị thương hiệu, Quản trị giải trí và sự kiện, Khoa học bền vững, Biến đổi khí hậu, Di sản học... đều được nhận định là những chương trình đào tạo mới, tiên phong trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Mỗi giảng viên, học viên tại Khoa đều không ngừng ý thức về sáng tạo, đặc biệt là sự sáng tạo đi lên từ nền tảng tri thức, văn hóa dân tộc.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền tại buổi lễ ra mắt Chương trình tiễn sĩ Di sản học. Ảnh: Nguyệt Linh. |
Đại diện ban soạn thảo Chương trình đào tạo tiến sĩ Di sản học, PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, thành viên Hội đồng Thẩm định Công ước 2003 UNESCO nhiệm kỳ 2017-2020, Tổ trưởng Tổ bộ môn Di sản học cho biết: "Với tuổi đời hơn 30 năm, Di sản học vẫn được coi là một lĩnh vực khoa học mới mẻ trên toàn thế giới. Nằm ở lằn ranh giữa khoa học cơ bản và khoa học thực nghiệm, nhưng lĩnh vực này cũng đã phát triển một hệ thống toàn diện từ lý thuyết, phương pháp đến các công cụ để tiếp cận và phát huy giá trị di sản".
Chương trình đào tạo tiến sĩ Di sản học ra đời trong niềm mong mỏi của các cán bộ, học viên và giảng viên của Khoa. Chương trình được chắp bút và xây dựng bởi các chuyên gia tâm huyết trong và ngoài hệ thống ĐHQG để nhằm mang tới một chương trình học mang tính cập nhật, chất lượng, có tính ứng dụng cao cho xã hội.
Với vai trò là thành viên của Mạng lưới các trường đại học đào tạo về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - TBD; đối tác của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục Di sản trên thế giới; sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tham gia chương trình đào tạo của Khoa Các khoa học liên ngành (ĐHQG Hà Nội) có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, theo đuổi nghiên cứu và các định hướng khác liên quan đến di sản ở môi trường trong nước và quốc tế.