Thông tin này được Bộ GD-ĐT chia sẻ tại Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì ngày 25/10.
Bộ GD-ĐT cho biết đã dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng với mục tiêu chung là đổi mới hoạt động đào tạo gắn với nâng cao chất lượng phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH; mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới
Cụ thể, đến năm 2021 sẽ hoàn thành xây dựng chuẩn đầu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực: Sức khỏe, Kỹ thuật, Kế toán-Tài chính, Du lịch, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Dự kiến đến năm 2023 hoàn thành và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực còn lại.
Đến năm 2025 các cơ sở giáo dục ĐH hoàn thành rà soát, cập nhật trên cơ sở chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo của giáo dục ĐH.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, lâu nay, các cơ sở giáo dục đại học vẫn tuyên bố sứ mạng, công bố chuẩn đầu ra nhưng sinh viên hay người học ra trường đạt chuẩn hay không lại là câu hỏi lớn. Nguyên nhân là do không có thước đo chung nào về chuẩn ngành, năng lực cần phải đạt tối thiểu của sinh viên hay người học sau khi tốt nghiệp một bậc học.
Việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục ĐH thông qua áp dụng chuẩn chương trình đào tạo, trong đó có chuẩn đầu ra đối với từng trình độ/ngành đào tạo, đồng thời thiết lập cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ tạo cơ sở vững chắc để thực hiện công nhận giữa các nước về trình độ; nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. Cùng đó, khắc phục tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo ĐH.