Xung quanh dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc quy định cấp bằng đại học được nêu trong dự thảo đang theo xu hướng quốc tế.
Tuy nhiên, nội dung này vẫn khiến nhiều người trăn trở về động lực phấn đấu của người học. Đặc biệt là với thực tế đào tạo hiện nay, nhiều người quan ngại về chất lượng đào tạo đại học sẽ đi về đâu.
Ảnh minh họa |
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng cho rằng, dự thảo văn bằng không phân biệt hình thức đào tạo là phù hợp với Luật Giáo dục Đại học. Song hiện nay cách thức tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo giữa các trường khác nhau nên cần phải có giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đào tạo các hình thức đào tạo. Nếu trên văn bằng giáo dục đại học không ghi hạng bằng (xuất sắc, giỏi, khá,...) dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học.
Đối với quy định không ghi các hình thức đào tạo trên văn bằng, ông Chứ cũng đánh giá, các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không quan trọng hệ đào tạo. Những doanh nghiệp này chỉ quan tâm đến nhân sự họ tuyển dụng có làm được việc, có đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm hay không.
Còn đối với cơ quan nhà nước, khi các hệ đào tạo ở đại học có giá trị như nhau sẽ có nhiều người đủ tiêu chuẩn tuyển dụng và bổ nhiệm các chức vụ công việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. “Dù vậy, văn bằng có giá trị như nhau nhưng khoảng cách về trình độ đào tạo các loại hình đào tạo vẫn còn khoảng cách khá xa”, ông Chứ cho biết.
Dẫu cho rằng quy định không phân biệt hình thức đào tạo là phù hợp với Luật Giáo dục Đại học nhưng theo ông Chứ, thực tế đào tạo ở Việt Nam hiện nay và 5 năm tới vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo theo lợi nhuận, còn người học chỉ cần bằng cấp. Do đó, khó có thể đánh giá chất lượng đào tạo chính quy và tại chức tương đương nhau.
Còn ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ: "Chất lượng đào tạo ĐH giữa các loại hình đào tạo hiện nay chưa ngang bằng hau mà lại không ghi xếp loại thứ hạng trên bằng? Thực tế là hiện nay nhiều người nhìn nhận chất lượng giữa các hình thức đào tạo có sự cách biệt khá lớn, do vậy bằng cấp không thể ngang ngau.
Theo tôi muốn không ghi thứ hạng trên bằng trước hết chúng ta phải đặt chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành, các hệ đào tạo như nhau. Đầu vào thi đề như nhau và cùng nhau thi đầu ra, rồi tiếng Anh.
Lý do một số nước bỏ ghi nhiều nội dung cụ thể trên bằng như Úc hay Anh, nhưng chất lượng đào tạo của Việt Nam chưa thể tương xứng được để làm như họ. Tôi không đồng ý việc bỏ ghi xếp hạng khá giỏi trên bằng ĐH".