Ban đầu trẻ cảm thấy “không vui”, “buồn”, rồi mất ngủ, lo lắng. Những nỗi buồn dai dẳng ấy dần xâm chiếm tất cả thời gian, dẫn đến tình trạng nặng hơn, trẻ muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự sát…
_______________
Đó là từng bước phát triển của chứng trầm cảm thường gặp ở trẻ vị thành niên. Nhưng đôi lúc cha mẹ không nhận biết được, phần lớn đều nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì 12-13. Ít ai biết rằng, những nỗi buồn vô cớ trong độ tuổi dậy thì có tác động nguy hiểm đến tâm sinh lý con trẻ.
Thu Hà, một cô bé vừa tròn 15 tuổi ở Phú Thọ đã phải bỏ dở chương trình học giữa chừng vì được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẩn đoán bị rối loạn trầm cảm. Suốt năm học lớp 10, khi vừa bước chân vào cấp THPT, Hà bỗng dưng bị mất ngủ triền miên. Học lực từ giỏi chuyển sang khá, sau đó sa sút vì mâu thuẫn với bạn bè, Hà còn thậm chí giấu cha mẹ tự uống thuốc diệt gián để tự tử, may mắn người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Trong quá trình theo dõi, điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ cho biết bệnh nhân có hoàn cảnh sống khá phức tạp, gia đình 4 thế hệ chung sống nên có nhiều mâu thuẫn gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con. Sự bất đồng trong nuôi dạy con cháu đã khiến các thế hệ trong nhà căng thẳng. Hà có những biểu hiện buồn dai dẳng, mắt lúc nào cũng trũng sâu, lo âu, u uất, dễ cáu giận, không thích nói chuyện… Đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhưng do không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm nên đã dẫn đến hành vi tự tử. Sau hai năm khám, điều trị bằng thuốc nhưng không thuyên giảm, Thu Hà được gia đình đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương nhập viện.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khoẻ tâm thần khoảng 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người, trong đó các bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh lý có tỷ lệ mắc khá cao.
Thời gian qua, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý, rối loạn trầm cảm... Trong số này có nhiều bệnh nhi nhập viện do tự tử bằng thuốc diệt gián, thuốc giảm đau liều cao. Qua khai thác, tìm hiểu thông tin từ gia đình thì các trường hợp bệnh nhân này đều có những biểu hiện của trầm cảm như buồn vô cớ, lo âu, u uất và trước đó đã có một hoặc vài lần có ý định tự tử.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Minh Loan, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Trầm cảm là vấn đề hay gặp ở trẻ vị thành niên, nhưng đôi lúc cha mẹ không nhận biết được, thậm chí còn nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì.
Tâm sự của Thu Hà với bác sĩ điều trị. |
Điều dưỡng Ngô Thị Thanh Hoa, Khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết thêm, trẻ vị thành niên bị trầm cảm có nguy cơ tự làm hại bản thân nhiều hơn. Ở thể nhẹ, một số trẻ cảm thấy “không vui” hoặc “buồn”, ở thể nặng, trẻ lại muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự sát. Do đó, trẻ vị thành niên bị trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời là cần thiết và rất quan trọng đối với sức khỏe về thể chất và tinh thần, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
Khi phát hiện trẻ “bỗng dưng” có dấu hiệu mất ngủ hoặc có nhưng thay đổi khác thường kéo dài hơn 2 tuần, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Đặc biệt, nếu trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này. Nếu thấy khó khăn, nên đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ có chuyên môn đánh giá, thăm khám.
Có nhiều nguyên nhân phối hợp dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm đối với trẻ…
Theo điều dưỡng Ngô Thị Thanh Hoa, trẻ em thường học hỏi và bắt chước rất nhanh trong lứa tuổi dậy thì. Nếu không có người định hướng những suy nghĩ cho trẻ thì trẻ dễ dàng trở thành bản sao của người khác. Như ở nhà có bố hoặc mẹ mắc bệnh lý trầm cảm, việc sinh hoạt hàng ngày với người mang bệnh sẽ dễ làm cho trẻ mắc bệnh hơn. Trẻ sẽ không nghĩ việc bố mẹ ít nói, ít giao tiếp xã hội, trầm tư… là điều bất thường. Đây là môi trường không tốt trong việc hình thành tính cách, hành vi của trẻ.
Nhiều bệnh nhân trầm cảm lứa tuổi vị thành niên đã phải nhập viện vì không được phát hiện sớm |
Trẻ trầm cảm nặng nhất thường bắt nguồn từ lý do chấn thương tâm lý. Khi có những chấn động về tâm lý như mất đi người thân yêu nhất, thất bại trong học tập, bị lạm dụng tình dục… trẻ sẽ có những biểu hiện tâm lý bất thường như trở nên khép mình, luôn lo lắng sợ hãi, ít hoặc không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nếu không được đối thoại, định hướng tâm lý, trẻ rất dễ có suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
Một trong những căn nguyên gây trầm cảm nữa là áp lực học tập. Với trẻ em, để phát triển toàn diện thì cần cân bằng các hoạt động học tập và vui chơi, vận động thể chất. Nhưng thực tế hiện nay, rất nhiều trẻ đang phải chịu những áp lực học tập rất lớn, không chỉ từ nhà trường mà còn từ bố mẹ, luôn áp đặt cho trẻ những mục tiêu quá cao, thời gian học nhiều lấn chiếm hết thời gian vui chơi. Khi trẻ đạt kết quả không như kỳ vọng, bố mẹ tỏ thái độ thất vọng, tức giận. Điều đó khiến trẻ mất tự tin, cảm thấy xấu hổ, thất bại. Đó là những cảm xúc tiêu cực, là nguyên nhân phổ biến gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
Đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người. Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin. Biểu hiện đó khiến trẻ bị hiểu lầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương”.
Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh trầm cảm không tự biến mất, nếu không điều trị. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Do đó, việc điều trị cần tuân thủ đúng chỉ định, thời gian của bác sĩ và các nhà tâm lý, đừng thấy dấu hiệu đỡ mà ngừng điều trị bởi bệnh có thể tái phát dẫn đến lần điều trị sau khó khăn hơn.
Phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ để tâm và áp dụng liên tục các biện pháp kịp thời. Theo bác sĩ Nguyễn Tâm Long, Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sự quan tâm của gia đình, bố mẹ là đặc biệt quan trọng. Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống.
Bố mẹ cũng cần thiết lập những thói quen tốt cho trẻ. Cha mẹ cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Bố mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, từ đó làm gương cho trẻ làm theo.
Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ. Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẻ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng trẻ thảo luận để giúp con từng bước vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trước mỗi cấp học, cha mẹ nên hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân, và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt.
Một điều nữa giúp trẻ tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực, các bậc cha mẹ cần chú ý không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu. Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm trẻ xấu hổ.
Bác sĩ Tâm Long nhấn mạnh, cha mẹ cần nhận biết những biểu hiện của trẻ để kịp thời đưa con đi thăm khám. Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở long và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.
Nguy cơ tự tử luôn hiện hữu ở trẻ vị thành niên bị trầm cảm, dù có đang dùng thuốc chống trầm cảm hay không.