Dư luận từng sốc nặng với phát ngôn của nhạc sĩ Thanh Bùi: “Đã đến lúc nên dừng các gameshow nhí…tôi không còn niềm tin những chương đó mang đến những điều tích cực cho xã hội”. Gia đình và Pháp luậtđã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Phạm Hiền để trao đổivề tác động tiêu cực của các chương trình truyền hình phiên bản nhí dành cho trẻ em.
Trẻ không được sống thực với lứa tuổi
- Hiện nay, có rất nhiều các chương trình truyền hình thực tế, các gameshow dành cho trẻ em như: Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Vũ điệu đam mê, Siêu nhí tranh tài, Nhí tài năng … Chị suy nghĩ gì về vấn đề này?
Các chương trình này có một lợi thế cho các con, đó là những bé có năng khiếu sẽ được tạo điều kiện để thể hiện năng lực và phát huy sở trường của mình. Với những bé tự ti, nhút nhát khi tham ra các chương trình này sẽ tự tin và hòa đồng hơn.
Nhạc sĩ Thanh Bùi không ngần ngại lên án các chương trình gameshow nhí vì cho rằng không phù hợp với lứa tuổi trẻ em.
Tuy nhiên vẫn có những tiêu cực mà chúng ta khó kiểm soát được. Đó là việc nổi tiếng quá sớm và áp lực dư luận trong và sau chương trình. Một đứa trẻ hát hay, xinh đẹp thì được tâng bốc với hàng loạt mỹ từ, còn đứa trẻ hát yếu hay có ngoại hình không thật sự bắt mắt thì sẽ nhận những lời chê bai, thậm chí có phần cay nghiệt. Đó là chưa nói đến việc các bé sẽ bị soi mói đời tư sau khi nổi tiếng. Thành ra một đứa trẻ vốn ngây thơ, hồn nhiên và trong sáng nhưng không được sống đúng với lứa tuổi của mình.
- Với những đứa trẻ đang vào độ tuổi chưa hoàn thiện về thể chất lẫn ý thức, việc bị soi xét, bình phẩm khen chê từ dư luận sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, thưa chị?
Áp lực từ dư luận sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý các bé, đặc biệt khi các bé còn quá nhỏ. Đôi khi những bình phẩm từ khán giả có thể làm thui chột một con người. Bạn có thể nhìn lại Phương Mỹ Chi, người ta không hề sai khi nhận xét ngoại hình cô bé thiếu đi nét dễ thương của một đứa trẻ, thay vào đó là sự già dặn và trưởng thành trước tuổi. Ngay đến lời nói của Mỹ Chi, cảm tưởng như đó là cách trả lời của một người lớn, từng trải hơn là ở đứa trẻ đang tuổi vô lo, vô nghĩ.
Rõ ràng cô bé ấy nổi tiếng và buộc phải có những cách tự bảo vệ bản thân trước điều tiếng từ dư luận. Đó là những lời nói và hành động phải có sự rào trước đón sau để có thể giữ vững được bản lĩnh và lập trường của bản thân. Do vậy chắc chắn một điều, một đứa trẻ nổi tiếng sớm thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Đó là điều đương nhiên. Do vậy khi các cha mẹ muốn cho con tham gia chương trình truyền hình thì mình đã phải chuẩn bị tâm lý cho các con. Cũng như ê kip khi làm chương trình cũng nên có những truyền thông về văn hóa cho khán giả. Vì không ít cá nhân chỉ ngồi bàn phím và phán xét người khác, xem đó là niềm vui của mình. Có thể nói văn hóa của người Việt Nam yếu, đặc biệt những người đã làm cha, làm mẹ cần cẩn trọng hơn nữa trong từng lời ăn tiếng nói của mình.
Phương Mỹ Chi từng nhận nhiều chỉ trích từ phía dư luận vì ngoại hình thay đổi quá nhiều khi nổi tiếng.
- Nhiều bé sau khi nổi tiếng từ chương trình sẽ bỏ bê việc học hành, thậm chí trở thành “cần câu cơm”, trụ cột kinh tế của cả gia đình. Tác động tiêu cực của vấn đề này theo chị là gì?
Nếu nghĩ đến “đường dài”, tương lai, sức khỏe và sự phát triển tâm lý sau này của các bé, mỗi gia đình sẽ có sự điều chỉnh sao cho thích hợp. Mình có thể vẫn cho con thỏa sức với đam mê nghệ thuật nhưng phải có sự chọn lựa. Vì lứa tuổi của các bé không nên quá đặt nặng vấn đề cơm áo gạo tiền. Các con nổi tiếng đi kiếm tiền nuôi cả nhà, góp phần thay đổi lối sống, thay đổi quan điểm sống, thay đổi sự chi tiêu, thay đổi sự hưởng thụ của cả nhà. Đó sẽ là thực tế đáng buồn mà chúng ta cần nhìn nhận lại. Các bạn có thể nhìn ca sĩ Xuân Mai, cô bé từng được mệnh danh là thần đồng âm nhạc Việt Nam. Nhưng đến thời điểm Xuân Mai quay lại với nghệ thuật, người ta không còn hào hứng vì cô bé không thể làm mới mình được nữa. Mà thời đó cô bé không chạy show mà chỉ thu băng đĩa. Nói như vậy để thấy được rằng nghệ thuật không đơn thuần chỉ cần năng khiếu. Nếu muốn thành công, ngoài tố chất, bé cần phải liên tục trau dồi kiến thức chuyên sâu và có định hướng nghệ thuật một cách đúng đắn nhất.
Cần có sự chọn lọc và đảm bảo tính nhân văn
- Thực tế có rất nhiều sao nhí Hollywood nổi tiếng chỉ sau một bộ phim, một bài hát, vậy nhưng khi trưởng thành lại dính nhiều bê bối và tệ nạn xã hội. Chị nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng việc thành công đến quá sớm là điều kiện cho mầm mống tiêu cực xuất hiện?
Nổi tiếng khi còn quá nhỏ, tâm lý cũng như thể chất của các bé chưa được hoàn thiện nên việc dễ dàng sa ngã là khó tránh khỏi. Bản thân những đứa trẻ đó cũng sẽ không lường trước được sự nổi tiếng và những lời tung hô của mọi người dành cho mình. Một số sẽ bị ngộ nhận về bản thân, xem mình là trung tâm của vũ trụ. Mặt khác giới showbiz suy nghĩ rất thoáng và tự do. Thành ra nhiều bé dù ít tuổi nhưng được tiếp xúc và làm việc trong môi trường đó nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Quang Anh được đánh giá khá cao về năng lực cũng như sự nghiêm túc trong việc rèn luyện nghệ thuật.
- Có ý kiến cho rằng các game show, chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ nhỏ đang đặt nặng vấn đề thắng thua, thay vì mang tính giáo dục hay giải trí. Chị nghĩ sao về điều này?
Bản thân chương trình không câu nệ vấn đề đó thì các bé cũng đã chuẩn bị tâm lý cho mình ngay từ khi đăng ký tham gia chương trình. Mà đã là cuộc thi thì tránh sao được việc đặt nặng vấn đề thắng thua? Các bé đang ở độ tuổi nhạy cảm, nên dù muốn dù không, khi đưa bé tham gia chương trình thi thố tài năng, bản thân tính hiếu chiến, hiếu thắng của các bé sẽ được dịp trỗi dậy. Nhưng nếu kết quả không khả quan, các bé có thể nản lòng và buồn ngay lập tức.
Tuy nhiên, tôi thấy hiện tại có quá nhiều chương trình nhí, và giám khảo quanh đi quẩn lại, như vậy sẽ bị loãng. Cần phải có những chương trình được niêm yết hằng năm và phân chia theo độ tuổi. Các vòng sơ loại đã cần phải quan tâm đến tâm lý của trẻ. Không thể chỉ nhìn các bé dưới tâm lý của một người lớn đi thi, được thì được, không thì thôi. Nên có một lá thư của ban tổ chức gửi đến các bé trước và sau khi loại. Đó có thể là lời cảm ơn hoặc khích lệ tinh thần của các bé, để vấn đề thắng thua của chương trình không làm các con tổn thương.
- Là một chuyên gia tâm lý, chị muốn gửi gắm điều gì đến những nhà sản xuất chương trình truyền hình có sự góp mặt của trẻ em?
Thứ nhất, các chương trình nên có sự chọn lọc cả về nội dung và độ tuổi thí sinh. Chọn lọc theo độ tuổi để có sự công bằng, một bé 5 tuổi đấu với một bé 10 tuổi là thấy sự chênh lệch rồi. Cũng như khi mình mua bản quyền các chương trình, mình cũng nên cân nhắc, cắt bỏ hoặc thêm bớt làm sao để nội dung chương trình phù hợp với tâm lý, khả năng, độ tuổi của các bé cũng như phù hợp với văn hóa Việt Nam. Với một chương trình đưa ra chỉ dành cho các bé từ 4-5 tuổi, các chương trình khác lại dành cho các bé từ 7-9 tuổi.
Thứ hai, các chương trình dành cho thiếu nhi cần đảm bảo được tính nhân văn. Những người làm chương trình cần có sự quan tâm, động viên khích lệ cho các con trong quá trình tham gia cuộc thi.
Thứ ba, Với mỗi bé nếu đạt thành tích cao trong cuộc thi, ban tổ chức chương trình cần có sự tư vấn hoặc tạo điều kiện cho bé phát triển nghệ thuật một cách bài bản và hiệu quả nhất. Người dẫn dắt đứa trẻ đó phải có trách nhiệm định hướng cho bé. Không nên “đem con bỏ chợ” hoặc phủi bỏ trách nhiệm với đứa trẻ đó khi chương trình kết thúc.
Cám ơn những chia sẽ thú vị của chuyên gia!
Đinh Hương (Thực hiện)