Dựa vào những dữ liệu mới nhất từ tàu vũ trụ Drawn gửi về, các nhà khoa học vừa tìm ra nguyên nhân tạo nên những đốm sáng bí ẩn xuất hiện trên bề mặt hành tinh lùn Ceres. Những đốm sáng này là một loại muối có trong đất sét ammonia – một thành phần tạo nên Ceres.
Trước đó, hồi tháng 3, tàu thăm dò vũ trụ Dawn của NASA đã chụp bức ảnh về những đốm sáng kỳ lạ xuất hiện trên bề mặt của hành tinh lùn Ceres.
Với hơn 130 đốm sáng, hành tinh lùn Ceres dường như chứa nhiều mỏ muối vô cơ magnesium sulphate màu trắng nhạt, gọi là hexahydrite. Tương tự như muối epsom, hexahydrite có dạng sợi, thường xuất hiện trên bề mặt của đá và hiếm thấy trên Trái đất. Tuy nhiên, muối hexahydrite có thể được tìm thấy xung quanh động Saint Ignatius ở Manresa, Tây Ban Nha.
Theo các nhà khoa học của NASA, những đốm muối Ceres hình thành khi nước đá thăng hoa nhờ tác động thiên thạch. "Đơn giản là quá trình thăng hoa của nước đá bắt đầu sau khi một hỗn hợp của nước đá và muối khoáng tiếp xúc với nhau nhờ một tác động nào đó. Sau đó, chúng thấm sâu vào lớp vỏ trên bề mặt hành tinh lùn Ceres", trích bài viết của các nhà khoa học đăng trên tạp chí Nature.
Trên bề mặt Ceres, những điểm sáng đã tạo ra những ánh sáng kỳ lạ. Nhiều nhà khoa học nhận định chúng có khả năng chiếu sáng bằng 50% ánh sáng của mặt trời.
Đặc biệt, nhiều đốm sáng đã xuất hiện trong một miệng núi lửa Occator có đường kính khoảng 90 km. Occator dường như là một trong những núi lửa nhỏ tuổi nhất trên Ceres với khoảng 78 triệu năm tuổi.
Một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Andreas Nathues đến từ Phòng nghiên cứu hệ thống Mặt Trời thuộc Viện Max Planck của Đức, hiện đang điều tra một đám mây kỳ lạ xuất hiện gần miệng núi lửa Occator vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Nguyễn Đức