Theo thông tin từ Bộ Tài chính chiều 30/8, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ trong 3 tháng, kể từ ngày 1/9 đến hết ngày 30/11.
Việc tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng; phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/11, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Từ ngày 1/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ.
Thời gian qua, thị trường ô tô khá ảm đạm. Theo Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 58.165 xe, trong đó, xe du lịch đạt 41.858 chiếc, giảm 21%; xe thương mại đạt 15.915 chiếc, giảm 6% và xe chuyên dùng đạt 392 chiếc, giảm 48% so với quý I/2023.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng bình quân trong 4 tháng đầu năm 2024 là khoảng 14.167 xe/tháng. Điều đáng nói, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu, giúp tăng doanh số, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe trong nước.
Việc thực hiện các cam kết hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng gây sức ép trước giá thành, chất lượng của xe nhập khẩu. Theo đại diện Bộ Tài chính, đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, thì sẽ không đủ tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, cũng như sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Do vậy, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng; phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Đánh giá tác động về thu ngân sách Nhà nước (NSNN), đại diện Bộ Tài chính cho biết: Chính sách này làm tăng số lượng tiêu thụ, từ đó làm tăng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng có thể không đủ bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ. Theo tính toán, chính sách có thể làm giảm thu NSNN về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, việc giảm mức thu này có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe tiêu thụ và đăng ký, nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) có thể tăng. Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương- nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương), từ đó có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương.
Theo giới chuyên gia, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và nhu cầu xã hội, công nghệ ô tô trở thành lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp hàng tỷ USD vào NSNN.
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất của các nhà máy tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, DN trong nước chiếm khoảng 65%, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/ năm.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành. Chính sách còn góp phần tăng quy mô của thị trường nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su... Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lần gần nhất là thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP trong 6 tháng cuối năm 2023 đã làm số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 176.483 xe, bình quân 29.413 xe/tháng (6 tháng đầu năm 2023 là 107.194 xe, bình quân 17.865 xe/tháng).